Hệ lụy từ cơn sốt giá đất
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao với sự bất thường của các phiên đấu giá đất ở một số huyện ngoại thành Hà Nội. Làm sao có thể không “ồn ào” khi mà giá trúng đấu giá đất cao ngất ngưởng tới 133.3 triệu đồng/m2.
Mức giá này không chỉ gấp hàng chục lần giá khởi điểm, mà còn cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của những thửa đất được đấu giá. Phải chăng có sự “thổi” giá đất của những kẻ đầu cơ bất động sản?
Nhiều người không khỏi băn khoăn: Vì sao có những người dám đấu giá đất với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thật của mảnh đất đó? Phải chăng họ không quan tâm đến tiền hay sự lỗ lãi khi đầu tư vào những lô đất này? Những băn khoăn này không phải là không có cơ sở, nhưng đó chỉ là nhìn bề nổi. Đằng sau việc đẩy giá đất lên cao còn có nhiều nguyên nhân sâu xa khác.
Nói đến mất tiền thì ai mà chẳng xót. Chẳng phải người xưa có câu: Của đau con xót đó sao? Hay khi đầu tư kinh doanh ở bất cứ lĩnh vực gì chứ không riêng bất động sản, các nhà đầu tư đều sẽ dành sự quan tâm hàng đầu đến vấn đề lỗ và lãi. Chẳng có nhà đầu tư nào chấp nhận đầu tư kinh doanh khi biết chắc chắn sẽ bị thua thiệt. Ấy vậy mà vẫn có những người đầu tư bất động sản lại dám trả giá cao gấp nhiều lần giá trị thật của đất?
Xem ra giữa lý thuyết và thực tế đã có sự “mâu thuẫn” không nhỏ? Xin thưa rằng không, bởi cái “thiệt” từ việc đấu giá đất cao gấp nhiều lần giá trị thực lại chẳng thấm tháp gì so với cái lợi thu về từ việc thổi giá đất khu vực đó lên cao ngất ngưởng. Một chuyên gia bất động sản phân tích: Khi người nào đó đã đầu cơ nhiều mảnh đất xung quanh mảnh được đấu giá, nếu đẩy được giá đất lên càng cao thì họ càng thu về nhiều lợi nhuận, kể cả mất tiền cọc để tham gia đấu giá đất.
Vẫn theo phân tích của chuyên gia bất động sản, hiện giá cọc để tham gia đấu giá đất quá thấp (5%-20% giá khởi điểm, mà giá khởi điểm lại chỉ khoảng 7 triệu đồng/m2) nên nếu các nhà đầu tư có mất cọc thì cũng chẳng bõ bèn gì so với cái lợi của việc thổi giá đất lên cao chót vót. Cái lợi nhìn thấy trước mắt như vậy chẳng có ai dại gì khước từ, không tham gia đấu giá đất để “thổi” giá lên cao. Hơn nữa, việc “thổi” giá này lại hợp pháp, an toàn không lo bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Việc đẩy giá đất vùng ven lên mức “trên trời” chỉ có lợi cho hầu bao của một số người đầu cơ bất động sản, nhưng hệ lụy phát sinh đối với xã hội lại vô cùng lớn. Chẳng hạn, việc đẩy giá đất lên cao quá mức sẽ tạo ra mức giá ảo cho cả thị trường ở khu vực đó khiến người dân có nhu cầu thật về bất động sản gặp khó khăn không thể tiếp cận. Giá đất lên thì tiền thuế đất, tiền thuê đất cũng tăng theo. Do đó, sẽ hạn chế nhà đầu tư vào phát triển các dự án theo quy hoạch, phát triển của địa phương này.
Chưa hết, đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, khi các doanh nghiệp bị tăng giá thuê đất sẽ tính cả vào chi phí đầu vào, từ đó đẩy giá hàng hóa thị trường lên cao. Giá cả hàng hóa thị trường leo thang sẽ là bài toán nan giải cho Chính phủ trong công tác điều hành kinh tế vĩ mô, tránh lạm phát. Còn vô số những hệ lụy xấu khác mà trong khuôn khổ bài viết không thể thiệt kê hết, song tựu chung là cần phải kiểm soát được vấn để “thổi” giá đất trong những phiên đấu giá đất tại các địa phương.
Cũng chính vì thế mà mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Công điện số 82/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là việc cấu kết thao túng thị trường, thổi giá để tạo ra thị trường không lành mạnh, không đúng thực tế để trục lợi.