Giáo dục

Phân luồng sau THCS: Khó đạt mục tiêu

Vi Cầm 24/08/2024 07:19

Chủ trương phân luồng, hướng nghiệp học sinh ngay sau khi hết bậc THCS đã được triển khai nhiều năm qua, nhưng trên thực tế các trường học vẫn loay hoay, khiến việc hướng nghiệp vẫn nặng về hình thức, chưa đạt hiệu quả.

bai-chinh(2).jpg
Hướng nghiệp bằng cách cho học sinh THCS đi tham quan trường nghề. Nguồn: hungvuongtech.edu.vn.

Hướng nghiệp kiểu… áp lực

Ghi nhận thực tế cho thấy, ở nhiều nơi các trường THCS vẫn hướng nghiệp học sinh lớp 9 kiểu bắt ép. Tại Hà Nội, hầu như mùa tuyển sinh nào cũng có những câu chuyện được phụ huynh chia sẻ rằng giáo viên chủ nhiệm “định hướng” học sinh không nên thi vào trường THPT công lập - bằng việc viết đơn theo mẫu xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Trong khi bản thân học sinh và gia đình vẫn muốn con được học tiếp ở một trường THPT công lập phù hợp điều kiện kinh tế gia đình.

Đầu mùa tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 vừa rồi, mạng xã hội lan truyền clip dài 6 phút của một phụ huynh học sinh ở tỉnh Bắc Giang bức xúc cho rằng giáo viên liên tục tư vấn, định hướng và mời học sinh học lớp 9 theo học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Vị phụ huynh này cho rằng, còn quá sớm để hướng học nghề với lớp 9 khi còn vài tháng nữa mới tới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Việc tư vấn học nghề sớm khiến con nản chí, không chú tâm học hành. Ngay sau khi clip đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, những năm qua, trường đã quảng bá bằng nhiều cách, từ đến trường thông tin, tư vấn cho học sinh, phụ huynh, đến quảng bá trên mạng… nhưng sức hút trường nghề giảm sút. Theo ông Khải, một trong những nguyên nhân khiến công tác phân luồng học sinh từ bậc THCS chưa hiệu quả là học hết lớp 9, các em vẫn chưa đủ năng lực để phân định yêu thích ngành nghề gì, bản thân có phù hợp hay không.

Cách làm của các trường hiện nay tư vấn nghề chỉ vì những em được cho là năng lực yếu, kém không thi đỗ trường công bậc THPT thì “nên đi học nghề”. Khi đó, đối với phụ huynh, học sinh, học nghề chỉ là giải pháp bắt buộc và tạm thời, người học không yêu thích, không tâm huyết thì biết trước kết quả sẽ không tốt. Chưa kể, khi sức học yếu, vào trường học nghề nhưng sẽ học song song cả các môn văn hóa và chương trình của nghề cũng gây áp lực lớn cho học sinh.

Cần thay đổi cách làm

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT. Còn lại, khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Tỷ lệ này cơ bản ổn định so với năm học 2022 - 2023. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm khoảng 74,4%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên chiếm khoảng 7,9%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN chiếm khoảng 7%.

Như vậy, trên thực tế tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS tham gia học nghề vẫn chưa đáng kể. Trong khi Đề án 552 (ngày 14/5/2018) về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

Nhiều địa phương cho hay, mục tiêu nói trên là con số khó đạt với nhiều trường phổ thông. Đơn cử như tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tỷ lệ học sinh THCS vào lớp 10 THPT là 52,4%; chỉ khoảng 25,4% học nghề; còn lại 22,2% học sinh lao động tự do sau THCS. Hay tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), hàng năm có khoảng 85 - 90% học sinh sau tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT; còn lại khoảng 10 - 15% học nghề…

PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc đưa chỉ tiêu “cứng” định lượng trong phân luồng sau THCS, THPT. Lý do, học sinh học tiếp sau THCS, THPT phụ thuộc vào năng lực của người học ở từng địa phương, chất lượng GDNN hay các chính sách hỗ trợ GDNN, rất khó phụ thuộc vào ý chí người làm hay triển khai chính sách.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay, theo thống kê của Tổng cục, tùy từng địa phương, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở GDNN chỉ được khoảng 19-21%, và sau tốt nghiệp THPT chỉ đạt khoảng 22-23%. Có thể thấy rằng, công tác phân luồng ở các địa phương không đồng đều và tỷ lệ phân luồng thấp thường nằm ở những khu vực khó khăn, tùy vào thực tế của từng địa bàn.

Theo ông Bình, để giúp công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học tiến gần hơn với mục tiêu đặt ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp hơn nữa. Cùng đó là tiếp tục rà soát các hệ thống quy định liên quan đến đào tạo liên thông, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và những bộ, ban, ngành có liên quan để tạo nên con đường, cách thức để các em có thể học tập suốt đời một cách thuận lợi.

Các chuyên gia giáo dục có chung quan điểm, việc hướng nghiệp cần giúp học sinh lớp 9 cần có lựa chọn phù hợp với năng lực, nhu cầu; tuyệt đối không gây khó khăn, áp lực cho học sinh trong quyết định lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THCS.

Vi Cầm