Văn hóa

Về 'đất Mường' xem nghề thủ công vừa được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Tuấn Trung 24/08/2024 17:28

Với nỗ lực duy trì, phát triển, nghề dệt thổ cẩm của người Mường (xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đã được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

tho-cam-q.jpg
Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, có 75,2% dân số toàn huyện là dân tộc Mường. Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Mường nơi đây. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam.jpg
Theo bà Sa Thị Tâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian xã Kim Thượng, nghề dệt thổ cẩm ở đây có từ rất lâu đời. Ở thời bà, ngay từ nhỏ, những cô gái đã được người lớn trong gia đình dạy trồng bông, kéo sợi, dệt vải. “Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Mường. Con gái Mường thường phải tự tay dệt những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc để làm chăn, gối, đệm… đem về nhà chồng làm của hồi môn. Ngoài ra, thổ cẩm là vật không thể thiếu trong dịp lễ trọng, việc hiếu, hỉ, tang ma của người Mường. Người Mường quan niệm thổ cẩm còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình", bà Tâm cho biết thêm. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-5.jpg
Cũng theo bà Tâm, vào những năm 60, 70, nghề dệt thổ cẩm ở đây phát triển rất mạnh. Gần như nhà nào cũng có một khung cửi, từ người già đến người trẻ, hầu như ai cũng biết dệt. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, cùng với sự du nhập của văn hóa hiện đại, người con gái Mường khi đi lấy chồng không nhất thiết phải mang theo đồ dùng do tự tay mình làm nữa mà có thể mang theo hàng mua từ chợ về. Bởi thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Tân Sơn đã có thời gian dài bị mai một. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-7.jpg
Năm 2008, nghề dệt xóm Chiềng (xã Kim Thượng) được khôi phục và được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề. Tuy nhiên, trước sự phát triển các sản phẩm dệt may công nghiệp, việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gặp nhiều khó khăn… Để bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mường huyện Tân Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã tổ chức mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào Mường. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-4.jpg
Theo lãnh đạo xã Kim Thượng, xã đã tổ chức thành lập tổ truyền dạy bao gồm các nghệ nhân, phụ nữ đã thành thạo nghề dệt, để tập trung truyền dạy cho các thế hệ trẻ, đồng thời khôi phục lại những chiếc khung cửi đã bị hư hỏng ở trong xã; tăng cường phối hợp với các cấp bộ, ngành, tranh thủ mọi nguồn lực để khôi phục và phát triển làng nghề, vừa tạo việc làm cho người dân, vừa giữ gìn, phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc... để người dân có đủ điều kiện duy trì và khôi phục nghề dệt truyền thống. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-6.jpg
Theo em Hà Thị Ngọc Linh, dù mới tham gia được 10 buổi học những em đã biết sử dụng khung cửi, nắm vững kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống cũng như các công đoạn sản xuất thổ cẩm, may và tạo hoa văn trên vải. “Em thấy rất tự hào, nhận thấy trách nhiệm của mình là cần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc”, Ngọc Linh vui vẻ nói. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-9.jpg
Nghề dệt thổ cẩm được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn. Ảnh: TTXVN.
tho-cam-3.jpg
Với sự vào cuộc kịp thời, đến nay, số lượng người biết làm nghề dệt thông qua lớp truyền dạy nghề đã tăng lên đáng kể. Nhiều học viên sau khi biết và hiểu về nghề càng thêm gắn bó với nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình. Ảnh: Toàn Đức.
tho-cam-8.jpg
Sản phẩm thổ cẩm người Mường ở Tân Sơn ngày càng được thị trường đón nhận, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ảnh: Toàn Quân.
tho-cam-2.jpg
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 2322/QÐ-BVHTTDL, đưa nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở xã Kim Thượng, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống. Ảnh: Toàn Quân.

Tuấn Trung