Chú trọng giám sát những vấn đề bức xúc trong nhân dân
Trong dư âm đầy phấn khởi của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII vừa diễn ra thành công rực rỡ, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội đã chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội ngay từ đầu nhiệm kỳ. 3 khâu đột phá với các giải pháp cụ thể mà Đại hội vừa thông qua hứa hẹn mang lại luồng gió mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
PV: Thưa bà, sắp tới, MTTQ TP Hà Nội xác định phương hướng hoạt động như thế nào trong bối cảnh Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, có rất nhiều việc phải làm để Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị trí là trái tim cả nước?
Bà NGUYỄN LAN HƯƠNG: Với thành phố Hà Nội, những thành tựu sau 15 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính cùng với việc thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô (sửa đổi) là những thuận lợi cơ bản, tạo tiền đề để tiếp tục phát triển, xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, các nhiệm vụ, yêu cầu, công việc đặt ra với thành phố luôn rất lớn, cấp bách, khó khăn và phức tạp.
Yêu cầu đặt ra cho MTTQ Việt Nam các cấp thành phố trong thời gian tới là cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm cụ thể hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận. Đồng thời, tăng cường vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam, góp phần tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần xây dựng đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô và đất nước.
Cùng với đó, Mặt trận các cấp Thủ đô sẽ tập trung đổi mới nội dung, hình thức phong trào thi đua theo hướng tập trung về cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, cấp bách và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hướng về cơ sở, lấy khu dân cư làm địa bàn hoạt động, vậy theo bà, MTTQ thành phố sẽ làm gì để phát huy tối đa nhiệt huyết, năng lực của cán bộ Mặt trận cơ sở?
- Công tác Mặt trận ngày càng phải có những đổi mới để đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận phải năng động hơn, nhưng cũng vất vả hơn. Do đó, thành phố cũng đã xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, để cán bộ Mặt trận yên tâm hơn trong công tác. Trong nhiệm kỳ này, cán bộ Mặt trận được chọn lựa kỹ càng hơn, bên cạnh nhiệt huyết còn chú trọng đến trình độ và kỹ năng vận động. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò cán bộ Mặt trận cơ sở, MTTQ thành phố sẽ tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng, phù hợp với yêu cầu của các phong trào, cuộc vận động. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời phát hiện những nhân tố mới, những cách làm hay để kịp thời biểu dương, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở hoàn toàn có thể đáp ứng tốt những yêu cầu của nhiệm kỳ mới.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh luôn là “mũi nhọn” trong công tác Mặt trận. Nhiệm vụ này sẽ được Mặt trận các cấp của Thủ đô thực hiện trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?
- Trước mắt, Mặt trận sẽ phát huy dân chủ của nhân dân tham gia đóng góp ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị tổng kết công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 cùng quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Phối hợp tham gia chuẩn bị tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, đảm bảo dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm; lựa chọn người có đủ đức, đủ tài tham gia vào bộ máy chính quyền các cấp; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc việc các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết và thông báo đến cử tri và nhân dân.
Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị và quy định trong Luật MTTQ Việt Nam. Chú trọng việc lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương. Chú trọng giám sát những vấn đề bức xúc trong nhân dân; hoàn thiện cơ chế để người dân có đầy đủ thông tin và điều kiện thuận lợi tham gia giám sát ngay từ mỗi cộng đồng dân cư.
Trân trọng cảm ơn bà!