Dịch vụ xe đưa đón học sinh: Không thể lơ là, chủ quan
Khoảng 10 ngày nữa, năm học mới 2024 - 2025 sẽ bắt đầu. Ngày khai giảng cận kề, bên cạnh mối quan tâm về sách vở và các khoản thu đầu năm học… thì câu chuyện về xe đưa đón học sinh được nhiều phụ huynh quan tâm, tính toán bởi vẫn còn nhiều băn khoăn về công tác quản lý.
Cung đáp ứng cầu
Những năm gần đây, xe đưa đón học sinh ngày càng gia tăng về số lượng. Không chỉ ở các đô thị lớn mà tại nhiều địa phương trên cả nước, dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô rất phát triển do nhu cầu của phụ huynh.
Ghi nhận tại địa bàn TP Hà Nội, hiện nay hầu hết các trường ngoài công lập đều sử dụng xe đưa đón học sinh. Giá dịch vụ dao động từ 1.300.000 đồng đến hơn 2.000.000 đồng/tháng. Ví dụ tại Hệ thống Giáo dục Ban Mai, dịch vụ xe tuyến đưa đón học sinh 2 chiều cả đi và về tại điểm quy định có giá 1.365.000 đồng/tháng, tại điểm theo yêu cầu là 2.310.000 đồng/tháng. Hệ thống Giáo dục Marie Curie có mức giá dịch vụ xe đưa đón học sinh là 1.500.000 đồng/tháng với điểm đón gần và 1.800.000 đồng/tháng với điểm đón xa.
Chị Lưu Thảo Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 6 Hệ thống Giáo dục Marie Curie cho biết: “Cứ đầu năm học mới, việc đưa đón con là mối quan tâm hàng đầu của gia đình tôi. Nhà cách trường khoảng hơn 8km nên tôi chọn phương án đưa đón con đi học bằng xe dịch vụ của nhà trường. Dù mỗi tháng gia đình phải chi thêm một khoản tiền nhưng bù lại dịch vụ này tạo thuận tiện cho phụ huynh”.
Với những gia đình có con học tại các trường không có dịch vụ xe đưa đón, đi học xa nhà, phụ huynh phải chủ động tính phương án xe đưa đón con. Ghi nhận tại thời điểm này, khi năm học mới cận kề, nhu cầu xe đưa đón học sinh ngày càng tăng cao. “Cần tìm xe ghép đưa đón con từ Hoàng Quốc Việt đến Long Biên”, “Cần tìm xe ghép cho con đi học hàng ngày”, “Gia đình cần tìm xe tuyến ngã tư La Dương đi Trường THCS Lê Quý Đôn”… Đây là những thông tin tìm dịch vụ xe đưa đón con được đăng tải trên nhiều hội, nhóm mạng xã hội Facebook. Ở chiều ngược lại, cũng trên các hội, nhóm này, hàng loạt các chủ xe chào mời dịch vụ đưa đón học sinh với đa dạng điểm đón và giá cả tùy theo nhu cầu phụ huynh.
Bài toán quản lý
Dù tạo thuận tiện cho phụ huynh nhưng thực tế, dịch vụ xe đưa đón học sinh còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu sót trong quy định pháp luật và giám sát thực hiện. Với những gia đình có con nhỏ sử dụng dịch vụ xe đưa đón, phụ huynh không khỏi lo lắng khi thi thoảng lại xuất hiện vụ việc trẻ bị quên trên xe, và đã có những tai nạn đau lòng xảy ra.
Thời điểm năm 2019, cả xã hội bàng hoàng trước thông tin một em nhỏ tử vong trên xe đưa đón của trường Tiểu học Gateway (TP Hà Nội) do bị bỏ quên nhiều giờ và không biết cách nào để thoát ra. Tưởng rằng sau vụ việc này thì việc đưa đón học sinh sẽ được cẩn trọng, an toàn hơn nhưng 5 năm sau đó, tháng 5/2024, dư luận thêm bàng hoàng, xót xa trước vụ việc bé trai 5 tuổi, học sinh Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của nhà trường. Những hậu quả đáng tiếc vừa nêu đặt ra yêu cầu cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với nhà trường, giáo viên, học sinh, nhất là trách nhiệm của người lớn.
Để hạn chế những vụ việc thương tâm như trên, Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã dành 1 điều với 6 khoản quy định về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh.
Cụ thể, tại Điều 46 quy định: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường trách nhiệm đảm bảo ATGT của cơ sở tổ chức đưa đón trẻ. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Quan trọng nhất là ý thức
Trong khi luật chưa có quy định cụ thể về xe đưa đón học sinh thì hiện mỗi cơ sở giáo dục tự đưa ra tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát cho dịch vụ này. Ông Lê Văn Cảnh - người quản lý hơn 100 xe từ 16 chỗ đến 45 chỗ của Hệ thống Giáo dục Marie Curie cho biết, về quy trình đón trả học sinh, vào đầu buổi sáng, giáo viên phụ trách xe của trường sẽ lập danh sách học sinh có mặt, sau đó báo về văn phòng trường. Nhân viên văn phòng sẽ đối chiếu số học sinh đi xe với những em xin nghỉ của từng lớp, nếu không khớp sẽ báo lại giáo viên chủ nhiệm và người phụ trách xe. Bước này lặp lại khi học sinh lên xe về nhà. Các xe của trường được lắp chuông ở đằng sau và sẽ kêu khi lái xe tắt máy. Để tắt chuông, tài xế phải đi tới cuối xe, coi như một lần quan sát xem học sinh có để quên đồ, hoặc em nào chưa xuống hay không. Tuy nhiên theo ông Cảnh, dù áp dụng công nghệ nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức con người. Thầy cô, tài xế phải có tâm, không được làm tắt quy trình.
Thời điểm năm học mới cận kề, ông Cảnh cho biết, nhà trường tổ chức tập huấn quy trình đưa đón cho tài xế và giáo viên, người phụ trách xe. Học sinh được học cách thoát hiểm, phát tín hiệu nếu không may bị kẹt trong xe thông qua việc sử dụng búa (với khối lớp lớn), hoặc bật đèn, bấm còi (thường áp dụng cho học sinh tiểu học).
Để bảo đảm an toàn, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra từ dịch vụ xe đưa đón học sinh, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông cho rằng, cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, tuyên truyền sâu rộng về việc chấp hành các quy định và cam kết của các chủ xe tổ chức phương thức vận tải này. Đồng thời gắn trách nhiệm của các nhà trường trong việc thuê xe và tổ chức đưa, đón học sinh theo lộ trình.
“Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát giao thông cần tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý những sai phạm, hạn chế nguy cơ dẫn đến mất an toàn và tai nạn giao thông” - ông Bình nói.
Ông Nguyễn Đình Quyền – Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hàng năm, vào đầu năm học, Thanh tra Sở làm việc với các trường học có sử dụng xe đưa đón học sinh, yêu cầu không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện và chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định. Cùng với đó, Thanh tra Sở yêu cầu các nhà xe, lái xe cam kết tuyệt đối không chở quá số người quy định, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển...
Ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đánh giá, thời điểm sắp bước vào năm học mới, công tác đảm bảo an toàn giao thông trong việc đưa đón học sinh qua dịch vụ xe hợp đồng là rất quan trọng.
Theo ông Long, qua rà soát của Sở GTVT cho thấy, số phương tiện đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố là 1.634 xe. Để đảm bảo chất lượng xe phục vụ vận chuyển học sinh, Sở GTVT yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học sử dụng xe đưa đón học sinh không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện, các doanh nghiệp, lái xe tuyệt đối không chở quá tải trọng cho phép, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển…
Đồng thời, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe hợp đồng đưa đón học sinh.
“Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô theo hợp đồng, chúng tôi cũng yêu cầu phải bố trí thời gian làm việc của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe theo đúng quy định; yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải, không sử dụng điện thoại khi lái xe, không phóng nhanh vượt ẩu. Các đơn vị vận tải và lái xe phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong vận chuyển hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng, có phương án đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe theo quy định” - ông Long cho hay.