Kinh tế

Mấu chốt để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển

H.Hương 26/08/2024 11:10

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề mấu chốt để phát triển thị trường trái phiếu phải là sự minh bạch. Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của doanh nghiệp, là kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý... Cùng với đó, xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn…

Chỉ 7% trái phiếu DN được xếp hạng tín nhiệm

Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu về việc phát hành trái phiếu của DN cho thấy, 7 tháng đầu năm, có 175 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 168.433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14.586 tỷ đồng.

Trong số các đợt phát hành riêng lẻ, các trái phiếu đã được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7% giá trị. Một thông tin đáng chú ý khác là khả năng trả nợ trái phiếu với nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn khó khăn. Trong tháng 7/2024, có 4 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới với tổng giá trị 3.392 tỷ đồng và 41 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.

Theo ước tính của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Ratings), khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới, trong đó bao gồm 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó. Trong khi đó, áp lực đáo hạn TPDN giai đoạn 2024-2025 vẫn còn rất lớn.

Nguyên nhân của việc chậm thanh toán TPDN xuất phát từ việc phát triển quá nóng trên một nền tảng thiếu vững chắc: DN “dâng” lãi suất để tìm mọi cách phát hành, nhà đầu tư không có chuyên môn, không có kinh nghiệm, mua trái phiếu phần lớn theo tư vấn của môi giới hay người thân, thậm chí còn bị tổ chức trung gian “làm phép”, biến tiền tiết kiệm thành trái phiếu. Điều này cho thấy một lỗ hổng lớn ở chính những nhà đầu tư trên thị trường.

Ông Nguyễn Anh Minh - Phó trưởng ban Ban Quản lý đăng ký trái phiếu, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng, trong thị trường trái phiếu, vai trò của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp rất quan trọng. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư mang tiếng chuyên nghiệp, song việc xác định không chặt chẽ, chỉ cần bản xác nhận của công ty chứng khoán đã được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mặt khác, khi DN phát hành riêng lẻ cho cá nhân, đa phần chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều càng tốt, còn không quan tâm nhà đầu tư có đủ kiến thức, nhận định về DN hay không. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khi đơn vị phát hành không đảm bảo khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân bị thiệt hại.

Nâng cao chất lượng hàng hóa

Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường thông qua nâng cao chất lượng tổ chức phát hành. Có giải pháp cơ bản để kiểm soát chất lượng của TPDN riêng lẻ thông qua đẩy mạnh áp dụng định mức tín nhiệm đối với tổ chức phát hành…

Còn theo Hiệp hội thị trường trái phiếu, mấu chốt nhất để phát triển thị trường trái phiếu phải là sự minh bạch. Có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của DN, là kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý, hay chế độ báo cáo thông tin bắt buộc. Xếp hạng tín nhiệm cũng góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn.

Để tăng cường sự minh bạch thông tin của các DN, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng Ban Nghiên cứu và điều phối chính sách, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN. Ngoài ra, có nhiều bên liên quan khác cần thông tin liên quan đến xếp hạng tín nhiệm.

Riêng đối với các nhà đầu tư cá nhân, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp nhà đầu tư có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.

Đối với các DN phát hành, xếp hạng tín nhiệm cũng quan trọng, kết quả tốt thì DN có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn. Xếp hạng tín nhiệm cũng là công cụ cho DN căn cứ vào đó để định giá cho công cụ tài chính do mình phát hành.

H.Hương