Cơ hội vào đại học bằng xét tuyển bổ sung
Hiện có hơn 50 trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung. Đây là cơ hội cho thí sinh đăng ký vào ĐH trong đợt tuyển tiếp theo.
Nhiều trường ĐH ngay sau khi công bố điểm trúng tuyển đã thông báo xét tuyển bổ sung năm 2024. Đáng chú ý, trong đó các ngành "hot" như y khoa, răng hàm mặt, dược… cũng còn cơ hội cho các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1.
Cụ thể, các Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Văn Lang, Hùng Vương tuyển bổ sung tất cả các ngành. Như vậy khối sức khỏe với các ngành hot như y khoa, răng hàm mặt, dược cũng xét tuyển bổ sung trong đợt này. Trường ĐH Hoa Sen thông báo tuyển bổ sung 1.500 chỉ tiêu từ sớm, ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố kết quả lọc ảo lần đầu tiên, trường mới đạt 80% trên tổng chỉ tiêu đề ra.
Các trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Gia Định, Hùng Vương TPHCM, Công nghệ Sài Gòn... cũng xét tuyển bổ sung hầu hết các ngành. Như vậy, gần như các trường ngoài công lập đều phải xét tuyển bổ sung.
Ở khối trường công lập, cũng còn hàng nghìn chỉ tiêu cho các thí sinh. Nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo xét tuyển bổ sung như Trường ĐH Việt Nhật tuyển 150 chỉ tiêu. Trong đó, với điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường nhận hồ sơ thí sinh có điểm từ 20 trở lên.
Trường ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên thông báo xét tuyển bổ sung vào các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo định hướng giáo viên, theo hai phương thức gồm: Xét tuyển học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo ông Nguyễn Tiến Lập - Trưởng phòng tuyển sinh (Trường ĐH Hoa Sen), hiện nay thí sinh có nhiều sự lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT như vào ĐH, đi du học… hoặc xu hướng chọn học cao đẳng, trung cấp, các trường nghề để rút ngắn thời gian học tập. Vì vậy, nhà trường đã cố gắng để thời gian đào tạo là 3,5 năm đáp ứng nhu cầu của thí sinh và gia đình.
Ở cơ hội tiếp theo vào ĐH, dù cánh cửa rất rộng mở, nhưng thí sinh vẫn cần lưu ý khi chọn trường cần cân nhắc các yếu tố như sở thích, năng lực và điều kiện tài chính của gia đình cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. Không nên "chọn đại" một ngành nào đó chỉ vì muốn được tiếng đã trúng tuyển ĐH. Cũng không nên chọn ngành theo số đông, theo bạn bè, mà ngành học nên thật sự là ngành thí sinh muốn học và thích học để tạo thuận lợi cho việc học tập và đạt kết quả tốt.
Các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển đợt bổ sung cần theo dõi thông tin xét tuyển được đăng trên website của các nhà trường. Cần chú ý về điểm tuyển bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước nên thí sinh cần tham khảo kỹ lưỡng.
Đặc biệt, khác với xét tuyển đợt 1, thời gian xét tuyển và quy định của mỗi trường khi xét tuyển bổ sung là khác nhau, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin. Chẳng hạn, với nguyên tắc xét điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu và có đến hơn 20 phương thức xét tuyển thì các thí sinh cũng được trao rất nhiều cơ hội. Đó là việc, các em có thể nộp hồ sơ xét tuyển theo bất cứ phương thức nào; được đăng ký tham gia vào rất nhiều kỳ thi riêng. Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi, thí sinh đăng ký nguyện vọng khi đã biết điểm; được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và thay đổi không giới hạn số lần.
Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển và các điều kiện, tiêu chí phụ (nếu có) trên trang thông tin điện tử của trường. Thí sinh xác nhận và làm thủ tục nhập học theo quy định của các cơ sở đào tạo.
Trước đó, theo thống kê của Bộ GDĐT, kỳ tuyển sinh ĐH đợt 1 năm 2023 có 117.795 thí sinh đỗ ĐH nhưng không xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống.