Thị trường lao động chưa hết khó khăn
Với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) trong thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các đơn vị tuyển dụng sẽ chú trọng nhiều hơn tới kỹ năng nghề, còn người lao động (NLĐ) quan tâm nhiều hơn tới điều kiện phúc lợi, chế độ bảo hiểm.
Nhiều ngành tăng tuyển dụng
Nhận định về tình hình thị trường lao động Hà Nội thời gian tới, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, với đà phục hồi kinh tế như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục duy trì. Các đơn vị tuyển dụng sẽ chú trọng nhiều hơn tới kỹ năng nghề. Còn NLĐ quan tâm nhiều hơn tới điều kiện phúc lợi, chế độ bảo hiểm.
Theo ông Thành, thời gian tới một số ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao so với tháng trước như: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,2%; Hoạt động chuyên môn về khoa học công nghệ tăng khoảng 2,8%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 4%.
Bên cạnh đó, nhóm ngành Du lịch, Lưu trú ăn uống, Nghệ thuật, Giải trí... cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Tuy nhiên, lại có một số nhóm ngành giảm nhu cầu tuyển dụng lao động so với tháng trước như: Hoạt động kinh doanh bất động sản, Hoạt động tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, Hoạt động hành chính, Dịch vụ hỗ trợ.
Tại Đồng Nai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dự báo trong những tháng cuối năm 2024, toàn tỉnh có gần 1,4 nghìn DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với gần 40 nghìn lao động. Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 40%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 10%, còn lại có chứng chỉ nghề, sơ cấp và trung cấp chuyên nghiệp. Các lĩnh vực, ngành nghề tuyển lao động nhiều là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất dệt may giày da, thiết bị công nghiệp, các sản phẩm từ gỗ.
Vị trí tuyển dụng nhiều như: thợ may, thợ chế biến thực phẩm, thợ vận hành máy, thợ cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử… Ngoài lao động phổ thông, các DN còn tìm kiếm lao động kỹ thuật, có tay nghề, nhất là ngành cơ khí chế tạo.
Đánh giá bức tranh thị trường lao động 7 tháng qua, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, nhìn tổng thể, thị trường lao động từ đầu năm đến nay ổn định, song từng vùng vẫn còn những vấn đề bất cập, nơi thừa, nơi thiếu lao động.
Minh chứng từ thực tế cho thấy, những tháng đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang duy trì đà phục hồi, mở ra nhiều cơ hội về việc làm và ổn định cuộc sống cho NLĐ. Điều dễ thấy nhất hiện nay là các DN đang tăng tuyển dụng thêm lao động.
Để thu hút lao động, Công ty cổ phần Giày Hồng Bảo (Đông Anh, Hà Nội) đã tăng mặt sàn lương, điều chỉnh nhiều chương trình phúc lợi. “Để có được nguồn nhân lực chất lượng cũng như thu hút thêm nguồn nhân lực mới để phục vụ việc sản xuất các đơn hàng, ngoài các chính sách cơ bản như về tiền lương công ty còn có thêm nhiều chính sách phúc lợi để thu hút cũng như giữ chân NLĐ” - ông Lê Văn Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giày Hồng Bảo cho biết.
Vẫn chưa hết lo thiếu nhân lực
Cùng với việc tăng chính sách phúc lợi, cam kết không nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội để đáp ứng nhu cầu sản xuất, thời gian qua, nhiều DN bố trí nhân lực về các tỉnh tuyển lao động. Bên cạnh đó, liên kết các trường nghề, trường đại học nhận sinh viên vào thực tập, thử việc nhằm giải được bài toán thiếu hụt lao động, nhất là lao động đòi hỏi về kỹ thuật, điện, cơ khí.
Những sinh viên vào thực tập ngoài cơ hội trải nghiệm công việc thực tế, trong quá trình thực tập còn được nhận phụ cấp, hỗ trợ cơm trưa và nhiều đãi ngộ khác.
Ông Phan Quyết Long - Giám đốc Công ty TNHH xây lắp chế tạo và cung cấp thiết bị công nghiệp Thành Long cho biết, hiện DN đang cần nhiều nhân viên kỹ thuật nhưng việc tuyển dụng được nhân viên đảm bảo đủ tiêu chí của công ty khá khó. Chính bởi vậy, DN đã đặt hàng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội đào tạo lao động.
Ông Long cho biết, công ty có nhiều chế độ đãi ngộ với học sinh. Năm đầu học sinh được học tự do, năm 2 các em có thể đi thực tập tại DN và được trả lương. Nếu khi ký hợp đồng đảm bảo đầu ra cho học sinh, nhưng sau khi tốt nghiệp các em không có nhu cầu gắn bó với DN thì công ty cũng sẵn sàng thanh lý hợp đồng. Bạn sinh viên đó có thể hoàn lại các chi phí hỗ trợ đào tạo và làm việc ở nơi khác.
Mặc dù vậy không ít DN cho biết, trong những tháng cuối năm, đơn hàng tăng song tình trạng khan hiếm lao động khiến các DN lo lắng. Do vậy, DN mong muốn địa phương cũng như các sở, ngành có giải pháp kết nối lao động, giúp DN đáp ứng nhân lực cũng như mở rộng sản xuất.
Trước thực trạng trên, ông Vũ Trọng Bình cho biết, từ nay đến cuối năm Cục tiếp tục chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các địa phương kết nối, tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Về dài hạn, đơn vị đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tích hợp thông tin lao động vào trường thông tin cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Có được nguồn dữ liệu này, sẽ nắm thông tin về cung lao động, từ đó sẽ có kết nối dài hạn hơn.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trung tâm sẽ triển khai các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch hỗ trợ DN, NLĐ.
Cùng với đó, hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở. Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.