Giải pháp đột phá nâng chất lượng giáo dục mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xác định định hướng chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn tới là khắc phục những hạn chế, khó khăn, từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu “chất lượng, công bằng, hòa nhập”.
Gần 300.000 trẻ 3-5 tuổi chưa được đến trường
Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm học 2023 - 2024, cả nước có gần 15.500 cơ sở giáo dục mầm non ở các loại hình và gần 17.000 cơ sở độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập), tăng gần 1.700 cơ sở so với năm học trước. Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%.
Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Về đội ngũ giáo viên, tính đến hết năm học 2023-2024, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non là 89,3%. So với năm học 2022-2023, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở cấp mầm non tăng thêm 1,9%. Các địa phương đã tuyển dụng được thêm 5.592 giáo viên mầm non tính đến tháng 4/2024 để bổ sung cho đội ngũ còn thiếu. Tuy vậy, thống kê cũng cho thấy, từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024, cả nước có 1.600 giáo viên mầm non nghỉ, chuyển việc.
Đại diện Bộ GDĐT chỉ ra nguyên nhân do sức hút vào ngành còn hạn chế; nguồn tuyển giáo viên còn thiếu; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng, dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật…
Tạo điều kiện giáo dục ngoài công lập phát triển
Trong khi hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ thì hệ thống trường ngoài công lập đã và đang góp phần giảm tình trạng quá tải cho giáo dục công lập.
Đơn cử, tại tỉnh Bắc Giang hiện có 33 trường ngoài công lập, trong đó có 21 trường mầm non. Với chủ trương khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo của tỉnh, các trường mầm non ngoài công lập thành lập mới phù hợp với quy hoạch được thuê đất và miễn tiền thuê đất, được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây phòng học. Cùng đó, Bắc Giang thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trường lớp tư thục phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GDĐT Bắc Giang cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển loại hình trường này. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, linh hoạt hơn nữa để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục, nhất là những nhà đầu tư lớn quan tâm xây dựng các trường chất lượng cao để giảm tải cho các trường công lập.
Nhiều địa phương như Bình Dương, TPHCM, Đà Nẵng… cũng đã tạo điều kiện cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng để xây dựng trường mầm non, miễn thuế thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án, tạo môi trường thông thoáng để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.
Dẫu vậy, trên thực tế hệ thống trường ngoài công lập vẫn khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.
Nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra tại những nhóm trẻ độc lập, các cơ sở trông giữ trẻ không được cấp phép với đội ngũ người nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phần lớn chưa đảm bảo trình độ, năng lực chuyên môn là thực trạng đáng báo động cần được quan tâm, xử lý.
Ngành giáo dục dự kiến kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 40 huyện thuộc 20 tỉnh đại diện các vùng miền trong từ năm học 2025-2026 để triển khai đại trà vào năm học 2029-2030. Đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh cần có những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, cần thay đổi quan điểm đầu tư để giáo dục mầm non có chương trình tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng.