Văn hóa

Chặn 'nhạc rác' trên mạng xã hội

Phạm Sỹ 27/08/2024 07:04

Thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… xuất hiện nhiều bản nhạc chế, nhái lại bản nhạc gốc. Tình trạng này diễn ra như một trào lưu, phát tán trên không gian số một cách dễ dàng và khó kiểm soát.

anhbaitren(3).jpg
Đoạn rap chế lời từ bài thơ “Lượm” có nội dung gây tranh cãi thu hút hàng trăm lượt truy cập. Ảnh: SCS.

Ca từ bị bóp méo, biến tấu một cách lệch lạc

Có những người chế nhạc đôi khi chỉ xuất phát từ ý muốn làm cho vui, theo trào lưu… Nhưng nhiều người ngay từ đầu đã có chủ đích dùng sự "khác người", giật gân để tạo sự chú ý, câu view, câu like.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về đoạn clip ghi lại phần livestream của Hoa hậu Phương Lê, được cho là chế lời bài hát Quốc ca. Ngay lập tức, sự việc trở thành chủ đề gây tranh cãi trên các diễn đàn, hội nhóm. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc, lên tiếng chỉ trích Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới 2017 vì cho rằng cô đang có hành vi xúc phạm Quốc ca và đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nghiêm.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan mời bà Lê Thị Hậu Phương lên làm việc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trong thời đại mà các nền tảng mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, công cụ để tạo ra âm nhạc và thu âm cũng trở nên dễ dàng thì việc một cá nhân tự sáng tác và chia sẻ bài hát của mình trên mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều.

Trong những tháng hè vừa qua, ca khúc “Em là mầm non của Đảng” do nhạc sĩ Mộng Lân sáng tác đã bị một số phiên bản chế lời lại với nhiều ngôn ngữ phản cảm nhưng lại được “tái sử dụng”, đưa vào nhiều clip khác khiến tốc độ lan truyền chóng mặt. Hay như hình ảnh "Chú bé loắt choắt" hồn nhiên, gan dạ, dũng cảm trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, thiêng liêng, nhưng qua những lời chế lại trở thành sự cợt nhả.

Điều đáng nói, những đoạn nhạc như vậy lại trở thành trào lưu của nhiều người trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cho thấy sự báo động về tư duy của một bộ phận giới trẻ khi cổ súy cho những hành động thiếu văn hóa.

Tăng cường giám sát, quản lý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, tình trạng này đã xuất hiện từ lâu trong một bộ phận người trẻ, với mục đích tạo sự hài hước, vui vẻ. Tuy nhiên, nếu tạo ra các bản nhạc chế với câu từ phản cảm thì đó là việc đáng lên án, cần có những chế tài xử lý để răn đe.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cho rằng, việc mọi người chế nhạc vui với nhau thì không thành vấn đề, nhưng chế lời bài hát vi phạm thuần phong mỹ tục rồi đưa lên các trang mạng xã hội lan truyền đến nhiều người là điều không thể chấp nhận được.

Với góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa, TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, việc chế lời bài hát có ngôn từ phản cảm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật âm nhạc mà còn gây ra những hệ lụy tiêu cực cho đời sống văn hóa cộng đồng. Từ góc độ văn hóa, thì việc chế lời bài hát phản cảm là biểu hiện của sự thiếu tôn trọng giá trị truyền thống và đạo đức. Những ca từ bị bóp méo, biến tấu một cách lệch lạc không chỉ làm mất đi giá trị nguyên bản của tác phẩm mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và hành vi của người nghe, đặc biệt là giới trẻ.

Trong nghệ thuật sự sáng tạo là cần thiết nhưng không được phép làm lệch lạc tác phẩm bằng ca từ “rác”. Việc các ca khúc phản cảm xuất hiện với hàng triệu lượt người xem và người nghe không khỏi gây ra nỗi lo ngại cho nền âm nhạc Việt.

Theo TS Phạm Việt Long, để ngăn chặn tình trạng này cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng mạng xã hội cho đến ý thức của cộng đồng. Trước hết, cơ quan quản lý cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ hơn về quyền tác giả và quyền liên quan, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát nội dung các tác phẩm khi đưa lên mạng xã hội. Cùng với đó, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là cần thiết để tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh.

Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội cần có những biện pháp kỹ thuật và chính sách kiểm soát nội dung hiệu quả hơn, chẳng hạn như sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các nội dung vi phạm. Đặc biệt, tăng cường vai trò của gia đình, trường học trong việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ cho thế hệ trẻ cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng này.

Gọi là “nhạc rác” bởi vì những sản phẩm âm nhạc này sử dụng ngôn từ tục tĩu, vô nghĩa. Thậm chí, có những sản phẩm dẫn dắt trào lưu tiêu cực, cổ súy cho các tệ nạn xã hội. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, cần có sự bắt tay giữa những đơn vị quản lý mạng xã hội và cơ quan quản lý văn hóa nhằm ngăn chặn sự lan truyền của những bản nhạc chế phản cảm trên mạng xã hội.

Phạm Sỹ