Xã hội

Bạc Liêu, Cà Mau ứng phó sạt lở đê biển mùa mưa bão

Nguyên Du 29/08/2024 09:52

Năm nào mùa mưa bão trên địa bàn Cà Mau, Bạc Liêu cũng xảy ra các vụ sạt lở đê biển. Việc ứng phó, đảm bảo an toàn cho sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân luôn được các tỉnh này đặc biệt quan tâm.

Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành lệnh xây dựng công trì sẽnh khẩn cấp để xử lý sạt lở đê biển Đông.

Mục đích của quyết định này để bảo vệ cấp bách đoạn đê biển Đông bị sạt lở (giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng) thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu; đảm bảo ổn định cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của một số hộ dân bên trong đoạn đê.

z5703509165088_92f69137cc67efd7a2076b4cad1aff18.jpg
Tình trạng sạt lở đê biển Đông ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân làm ăn ở đây bất an, lo lắng mỗi khi biển nổi lên cơn sóng dữ.

Theo quyết định, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình trong thời gian 4 tháng, với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Cơ quan này huy động ngay các đơn vị có đủ điều kiện năng lực về hoạt động xây dựng để thực hiện thi công công trình.

img_4132.jpg
Hiện trường vụ sạt lở đê biển Đông thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu.

Trước đó, ngày 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu.

Vừa qua, các đợt triều cường kết hợp sóng mạnh đã làm sạt lở tại khu vực đoạn đê biển Đông qua địa bàn ấp Biển Đông A (xã Vĩnh Trạch Đông) với tổng chiều dài khoảng 100m và có nguy cơ sạt lở hơn 370m. Trong đó có đoạn sạt lở rộng 5-10m, sâu 1,5m. Trong thời gian tới, triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh sẽ còn tiếp tục gây sạt lở mái đê và thân đê nghiêm trọng hơn.

img_4196.jpg
Khu vực bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, không còn rừng phòng hộ để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê nên sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở.

Theo ngành chức năng, hiện trạng sạt lở trên là do khu vực bờ biển trước đoạn đê này rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn, không còn rừng phòng hộ để chắn gió, chắn sóng bảo vệ chân đê nên sóng biển đã đánh trực tiếp vào mái và thân đê gây ra sạt lở.

Khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh trên biển sẽ có khả năng tạo thành các con sóng lớn làm nước biển tràn qua đê gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng, tài sản của người dân phía sau đê.

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, tỉnh này xác định có 39 khu vực sạt lở bờ sông và 4 khu vực sạt lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 511km.

Tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở làm ảnh hưởng hơn 290 căn nhà, ước tính thiệt hại trên 23,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ban hành phương án hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu và phòng chống thiên tai năm 2024.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau yêu cầu các đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện phương án hộ đê, phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND tỉnh này giao Sở NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu và phòng, chống thiên tai năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí thực hiện xử lý cấp bách đê điều theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, phân cấp ngân sách và các quy định hiện hành….

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 91km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, bờ biển phía Tây (nơi đã đầu tư đê biển) bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm là 22km.

ho-de-3.jpg
Cà Mau triển khai phương án hộ đê theo phương châm "4 tại chỗ".

Để bảo vệ vững chắc đê biển Tây không bị vỡ trong mùa mưa bão 2024, theo phương án hộ đê vừa được tỉnh Cà Mau thông qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh được yêu cầu sử dụng nhiều giải pháp khác nhau (kè rọ đá; thả đá khan; dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE, bao tải đất...) để kịp thời hộ đê, bảo vệ những vị trí trọng điểm, xung yếu ven tuyến đê biển Tây.

Theo đó, tại đoạn đê biển từ bờ Bắc Sào Lưới - Ðá Bạc có 1 vị trí trọng điểm dài 350m. Tuỳ tình hình thực tế và diễn biến tại khu vực sạt lở, có 3 phương án xử lý, hộ đê tại đoạn đê biển này. Cụ thể, nếu vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước nông thì chọn phương án kè rọ đá. Vị trí sạt lở có mặt cắt lớn, nước sâu thì chọn phương án thả đá khan. Mặt cắt sạt lở nhỏ, nước sâu thì chọn phương án dùng cừ tràm, màng chống thấm HDPE và bao tải đất.

Đối với các vị trí xung yếu còn lại, như: đoạn tràn trên mặt đê (huyện U Minh 1.000m, huyện Trần Văn Thời 2.000m); đoạn đê đất từ Sông Ðốc - Mỹ Bình (dài 5.000m)…, phương án là dùng bao tải chứa đất đắp trên mặt đê, sát mái đê ra phía biển.

Nguyên Du