Nhà máy nước sạch Hương Quang tại khu tái định cư Hói Trung (xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng vào năm 2015 với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho 216 hộ dân tại ba thôn: Kim Quang, Tùng Quang và Kim Thọ. Ảnh: Cẩm Kỳ Nhà máy được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2017, với kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho người dân khu tái định cư sử dụng lâu dài. Ảnh: Cẩm Kỳ Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, nhà máy bất ngờ gặp một số sự cố rồi xuống cấp, một số thiết bị như hệ thống máy bơm, bộ lọc, hệ thống xả đáy... bị hư hỏng. Ảnh: Cẩm Kỳ Đặc biệt, từ cuối năm 2022, nguồn nước dẫn từ nhà máy về không đủ cấp nước cho người dân. Ngoài ra, nước có mùi hôi tanh, màu sắc đục ngầu, không đảm bảo để người dân sử dụng trong sinh hoạt. Từ đó đến nay, nhà máy này đã không còn hoạt động. Ảnh: Cẩm Kỳ Sau hơn 2 năm không hoạt động, hệ thống máy móc, trang thiết bị, máy bơm, đường ống... đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Cẩm Kỳ “Việc thiếu nghiêm trọng nguồn nước sạch để phục vụ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày khiến cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước từ khe suối hoặc nước giếng khoan nhiễm phèn, chưa qua xử lý, dù biết là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không còn cách nào khác”, anh Nguyễn Văn Quyết (trú tại thôn Kim Quang, xã Quang Thọ) nói. Nhiều thiết bị, máy móc tiền tỷ bị rỉ sét, nằm phơi nắng phơi mưa. Ảnh: Cẩm Kỳ Một số hệ thống vận hành đường ống đã hư hỏng nặng. Ảnh: Cẩm Kỳ Do không được vận hành và bảo dưỡng trong thời gian dài nên hệ thống bồn chứa bị rò rỉ. Ảnh: Cẩm Kỳ Bên trong căn nhà điều hành, nhiều hạng mục, cơ sở vật chất đã bị mục nát, đỗ gãy. Ảnh: Cẩm Kỳ Do bị "đắp chiếu" nhiều năm và lâu ngày không sử dụng căn nhà điều hành đã trở nên nhếch nhác. Ảnh: Cẩm Kỳ Hệ thống máy bơm, đường ống... đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: Cẩm Kỳ Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho biết, nhà máy nước sạch được đầu tư trên 7 tỷ đồng. Ban đầu, khi khảo sát, việc xây dựng nhà máy là để cung cấp nước sạch cho trên 200 hộ dân. Sau khi hoàn thành, nhà máy đã vận hành không thu phí. Ảnh: Cẩm Kỳ "Từ năm 2022 đến nay, nhà máy không thể vận hành khiến máy móc, thiết bị… hư hỏng, trong khi người dân không có nước để sử dụng. Việc sửa chữa, nâng cấp lại nhà máy cần khoảng 2 tỷ đồng, nhưng khoản tiền này ngoài tầm của ngân sách địa phương", ông Cường thông tin. Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Trường Thọ - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Vũ Quang cho biết, trước tình trạng trên lãnh đạo huyện Vũ Quang đã giao cho xã Quang Thọ khảo sát phương án sửa chữa, khắc phục trên cơ sở hoàn thiện bộ máy quản lý, vận hành nhà máy và thu phí sử dụng nước theo quy định. “Quá trình khảo sát cho thấy, số hộ dân đồng thuận với việc nộp phí rất thấp nên xã đã có đề xuất sẽ tạm dừng hoạt động nhà máy nước sạch để chờ chính sách mới khả thi hơn”, ông Thọ nói.
Cẩm Kỳ