Quốc hội

Tránh độc quyền trong kinh doanh thuốc

Việt Thắng 29/08/2024 17:52

Chiều 29/8, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

202408291458208733_dsc_2795.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), việc khám chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, kéo theo sẽ phải có kê đơn điện tử, bệnh án điện tử đưa thuốc đến tận nhà người bệnh, chính đó là thương mại điện tử, hầu hết là các loại thuốc được kê đơn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện như: thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc; người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.

“2 ý đó rất quan trọng, nếu có quy định như vậy thì thực hiện được việc này. Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến là việc không ngăn chặn được, sớm, muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ”-ông Trí kiến nghị.

202408291455423586_dsc_2719.jpg
Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu tại hội nghị

Về vấn đề oxy y tế, ông Trí khẳng định, các loại khí khác sử dụng trong y tế cũng rất quan trọng, nhưng oxy là loại khí quan trọng nhất, không thể thiếu trong điều trị, đặc biệt là trong cấp cứu vì “thiếu 5 phút là không sống được”. Tại Báo cáo số 2803 của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất việc cần có quy định pháp luật về oxy y tế và các khí khác trong khám, chữa bệnh tại một văn bản quy phạm pháp luật phù hợp. “Tôi thấy như vậy là đúng, nhưng rất quan ngại về sự chậm trễ do phải chờ đợi văn bản quy phạm pháp luật phù hợp đó”- ông Trí bày tỏ và kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết về khí y tế dùng trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại nghị quyết của kỳ họp tới. Mong việc này sẽ được giải quyết dứt điểm sớm nhất.

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, vấn đề quản lý giá thuốc là vấn đề rất quan trọng, và kê khai giá thuốc là một cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu thuốc. Cho nên vấn đề về quản lý giá thuốc luôn luôn là một vấn đề nóng, nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Bà Hà cho biết, dự thảo luật lần này tiếp tục đưa ra nội dung mới cho khái niệm “giá bán buôn thuốc dự kiến”. Tuy nhiên, tên gọi có khác nhau nhưng về nội hàm thì không có sự khác biệt. Cụ thể, dự thảo quy định, giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường, các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này. Như vậy, dự thảo luật vẫn quy định cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc xác định một giá bán buôn nhưng các cơ sở khác thì không được bán cao hơn giá này.

202408291455423760_dsc_2737.jpg
Bà Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại hội nghị

“Tôi cho rằng đây là một vấn đề thị trường rất quan tâm, xuyên suốt các khái niệm trong dự thảo là giá bán buôn thuốc dự kiến và công bố giá bán buôn thuốc dự kiến, Ban soạn thảo rất mong muốn đưa ra những nội dung này để có những biện pháp quản lý về giá thuốc, tuy nhiên nếu chúng ta quy định là các cơ sở bán buôn khác không được bán cao hơn giá bán buôn dự kiến này sẽ là một điều rất hạn chế thị trường”-bà Hà nói.

Theo đó, cần đánh giá tác động của thị trường thuốc vô cùng phức tạp. “Tôi nêu một ví dụ là trong dự thảo Luật Dược lần này có đưa ra một nội dung rất mới, đó là chuỗi nhà thuốc và các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc hoàn toàn có thể là cơ sở nhập khẩu thuốc. Nếu là cơ sở nhập khẩu thuốc thì sẽ xác định mức giá bán buôn nhưng lúc đó các cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc sẽ xác định một mức giá bán buôn tối đa rất thấp, có thể không có lợi nhuận dẫn đến các cơ sở bán buôn khác không được bán buôn cao hơn giá này, tổ chức chuỗi nhà thuốc lại mang vào bán lẻ tại chuỗi nhà thuốc của mình. Chúng ta chưa có quy định về giá bán lẻ, chúng ta thực hiện nghiêm kê khai giá bán lẻ mà không có quy định về giá thặng dư với giá bán lẻ. Như vậy, rõ ràng chúng ta sẽ gây ra việc thị trường thuốc có những tình trạng độc quyền hoặc rất khó khăn cho những nhà thuốc không phải là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc”-bà Hà phân tích.

Cũng theo bà Hà, việc quy định giá bán buôn thuốc dự kiến, công bố giá bán buôn thức dự kiến cũng dẫn đến việc kê khai giá của các cơ sở bán buôn thuốc không có nhiều ý nghĩa nữa bởi quy định kê khai giá không được cao hơn giá bán buôn đã công bố.

Về vấn đề kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, theo bà Hà, dự thảo luật cũng quy định là cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc. “Quy định này rất tốt, tuy nhiên trên trên thực tế đã là sàn thương mại điện tử thì giao dịch là 24/24 giờ, 7/7 ngày, như vậy chúng ta bố trí lực lượng nhân viên để tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách thức sử dụng thuốc cho người mua thuốc như thế nào?”-bà Hà nêu câu hỏi.

Đánh giá mặc dù nội dung này giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tương tự như nội dung về giao thuốc đến người mua cũng giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, song bà cho rằng cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được và sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân trên môi trường thương mại điện tử.

“Đã thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn và đây là một mô hình rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng việc thực hiện thương mại điện tử với thuốc không kê đơn”-bà Hà chỉ rõ.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là một dự án luật rất quan trọng. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu trong hội nghị, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10 tới đây.

Phát biểu bế mạc hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận 12 dự án Luật gồm: dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi; Luật Công chứng sửa đổi; Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn sửa đổi; Luật Di sản văn hoá sửa đổi; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Luật Điện lực sửa đổi: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược.

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đến thời điểm này đã thành công rất tốt đẹp toàn bộ chương trình đề ra.

Bà Thành cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sau hội nghị này sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Việt Thắng