Thừa Thiên - Huế: Phát triển công nghiệp văn hóa góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có rất nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghiệp văn hoá dựa trên những tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng.
Nhiều dư địa
Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, di sản văn hóa là tài sản vô giá và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 8 di sản đã được UNESCO vinh danh bao gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh ở Hoàng cung Huế.
Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 1.000 di tích, địa điểm di tích lịch sử, cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.... Hệ thống di tích này đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị.
Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...
Tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thù, dẫn đến sự ra đời của ngành kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, tạo môi trường cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích tài năng; giảm sự phụ thuộc vào cơ chế, đồng thời góp phần gia tăng hơi thở cuộc sống hiện đại và tính bền vững của văn hóa.
Chính các giá trị văn hóa Huế, từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống vốn có đã là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, địa phương có rất nhiều thế mạnh trong việc phát triển công nghiệp văn hoá dựa trên những tiềm năng, lợi thế và mang bản sắc riêng.
“Nhìn tổng thể trên 12 ngành công nghiệp văn hoá theo chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá, Huế có một số thế mạnh rất nổi trội như du lịch văn hoá, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, ẩm thực, may thêu, bảo tàng… Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể và phi vật thể. Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản” TS. Hải khẳng định.
Ngoài ra, ẩm thực Huế với sự đa dạng và phong phú luôn tạo sức hút đặc biệt đối với du khách khi đến Huế. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1700 món ăn thì Huế đã có tới 1300 món ăn. Ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, các đầu bếp Huế đã nâng tầm các món ăn trở thành “những tác phẩm nghệ thuật” với nghệ thuật trình bày rất đẹp mắt, tinh tế và tỉ mỉ, cùng với hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.
Bên cạnh đó, hiện nay Huế đã và đang rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế đã lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá về con người và thiên nhiên xứ Huế.
Xu thế phát triển của thời đại
Thời gian gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được rất nhiều các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá, xếp hạng, đó là Thành phố Văn hóa ASEAN, Top 10 thành phố điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, Vịnh Lăng Cô tham gia Top 30 Vịnh đẹp thế giới, ẩm thực Huế vừa được vinh danh xếp thứ 28/100 Thành phố có nền ẩm thực ngon nhất thế giới...
Công nghiệp văn hóa là xu hướng phát triển của thời đại. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố bản sắc văn hóa cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật Thừa Thiên - Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên - Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá tuyên truyền lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư. Đồng thời, đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế cộng đồng, như cảnh quan, hạ tầng dịch vụ của các làng cổ, khu phố cổ; xây dựng mới các không gian nền tảng cho văn hóa, du lịch.
Duy trì Festival Huế theo hướng tổ chức quanh năm, bốn mùa lễ hội với nhiều chủ đề sáng tạo. Tăng cường công tác giao lưu, trao đổi văn hóa sẽ được mở rộng, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được kết nối, triển khai đồng bộ, thuận lợi.... thúc đẩy sự phát triển hoạt động ngoại giao văn hóa.
Đồng thời, có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa...