Quốc tế

Đảo Sicily trước nguy cơ sa mạc hóa

Hà Anh 31/08/2024 07:18

Khách du lịch đến đảo Sicily của Italy với số lượng ngày một lớn, trong khi cuộc khủng hoảng nước đang khiến khu vực này đứng trước nguy cơ bị sa mạc hóa.

anhbaitren.jpg
Những cánh đồng khô cằn ở phía nam Sicily. Nguồn: The Guardian.

Nguy cơ sa mạc hóa

Lần đầu tiên trong lịch sử 4 thế hệ làm nông của gia đình, những chiếc máy tuốt lúa của ông Vito Amantia - người làm nông trên đồng bằng Catania ở phía đông Sicily (Italy), đã nằm im suốt 8 tháng trời. 650.000kg lúa mì mà trang trại của ông thường sản xuất trong 1 năm đã bị mất, khô héo dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt và hạn hán không ngừng.

Sicily đang phải vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng nhất trong lịch sử của mình. Hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất Địa Trung Hải - nơi nhiệt độ cao kỷ lục của châu Âu là 48,8 độ C vào năm 2021, đang có nguy cơ sa mạc hóa. Trong 6 tháng cuối năm 2023, lượng mưa chỉ đạt 150mm vào tháng 5 năm nay, khiến chính quyền buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên, dù gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều người dân địa phương, cuộc khủng hoảng nước cũng không ngăn cản được khách du lịch. Giống như nhiều nơi khác ở Nam Âu, Sicily bị kẹt giữa tình trạng thiếu nước và lượng du khách đổ về tăng vọt, mặc dù họ gây thêm áp lực lên tài nguyên, nhưng vẫn được coi là một trong những động lực chính của nền kinh tế.

Theo Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy, do tình trạng khẩn cấp về khí hậu, 70% diện tích Sicily đang có nguy cơ bị sa mạc hóa. Hầu hết các hồ trên đảo đã gần như cạn nước. Hồ nhân tạo Fanaco ở trung tâm Sicily từng có sức chứa 20 triệu m3 nước, nhưng hiện chỉ còn chứa được 300.000m3.

Đối mặt với tình trạng hạn chế nước, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, trong khi hàng nghìn gia đình phải dự trữ nước trong nhà để giặt giũ hoặc nấu ăn. Theo Hiệp hội Quốc gia của Hội đồng Nước nông nghiệp, một số hồ chứa nước ngọt chỉ hoạt động ở mức 10% công suất vào tháng 3. “Đây là tình trạng khẩn cấp về hạn hán chưa từng có” - Thống đốc Sicily Renato Schifani cho biết.

Cùng với hạn hán, các vụ cháy rừng mùa hè cũng đã phá hủy thảm thực vật. Theo ước tính của cơ quan bảo vệ dân sự khu vực, các vụ cháy rừng đã gây thiệt hại hơn 60 triệu euro, với hơn 693ha rừng trên đảo bị san phẳng trong năm ngoái.

Hiệp hội Nông dân Coldirett của Italy đang nỗ lực hỗ trợ ngành nông nghiệp bằng cách tự bỏ tiền để đổ đầy nước vào các hồ nhân tạo bằng tàu chở dầu. Nhưng nỗ lực này thôi là chưa đủ. Quy mô của thách thức được thể hiện rõ trên hành trình qua vùng đất phía sau của Sicilia. Nhiệt độ tại đây tăng vọt lên trên 40 độ C vào ban ngày khiến gia súc không còn nước uống. Theo Hiệp hội Các doanh nhân nông nghiệp trẻ, hạn hán đang khiến những người nông dân trẻ tuổi của Sicily phải rời khỏi hòn đảo, trong khi người chăn nuôi buộc phải bán hoặc giết mổ gia súc của họ.

Duy trì du lịch

Tuy nhiên, đây không phải là trải nghiệm của hầu hết du khách, ngay cả khi ngành dịch vụ khách sạn đang vật lộn với việc tiếp tục bảo vệ họ khỏi tình trạng này. Bất chấp cuộc khủng hoảng nước, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và nhà nghỉ B&B ở Sicily vẫn đông đúc, đường phố của các thành phố chính đông nghịt khách du lịch, các nhà hàng kín chỗ và bãi biển chật kín người.

“Tôi biết về cuộc khủng hoảng nước, nhưng một số người bạn ở Sicily nói với tôi rằng tình hình không quá nghiêm trọng, đó là lý do tại sao tôi quyết định đến đây” - chị Lorenza Sebastiani (45 tuổi), đến từ Rome cho biết.

Ông Gerardo Schuler - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Federalberghi tại Taormina cho biết, các khách sạn trong thành phố đang đạt công suất 95%.

Theo ông Nico Torrisi - Chủ tịch của Federalberghi tại Sicilia và Giám đốc điều hành của các sân bay Catania và Comiso ở phía đông, không có bất kỳ sự hủy bỏ hoặc gián đoạn lớn nào, nhưng rõ ràng là một số cơ sở đang gặp khó khăn, đặc biệt là ở tỉnh Agrigento, nơi một số chủ nhà nghỉ B&B gặp vấn đề về nguồn cung cấp nước. Vấn đề là ở Sicily, khí hậu đã thay đổi trong nhiều năm và chúng tôi phải quen với thực tế là mỗi mùa hè sẽ mang đến một mức nóng khắc nghiệt và hạn hán.

Song, thay vì chán nản, du khách vẫn tiếp tục đến. Theo số liệu do Công ty Data Appeal thu thập tại 2 sân bay chính của Sicily là Palermo và Catania, đã có sự gia tăng các chuyến bay đến hòn đảo này vào tháng 8, tăng lần lượt 20% và 16% so với năm ngoái.

Một số khách sạn và nhà nghỉ B&B đã chuẩn bị trước cho mùa khô bằng cách lắp đặt các bể chứa nước tại cơ sở của họ, trong khi những nơi khác phải nhờ đến dịch vụ xe tải chở nước tư nhân để tự chi trả cho việc đổ đầy bể chứa.

Ông Francesco Picarella - Chủ tịch của Federalberghi tại Agrigento cho biết: “Chúng tôi thức dậy mỗi sáng để kiểm tra mực nước trong các bể chứa. Tuy nhiên, một số khách sạn và nhà nghỉ B&B đang gặp khó khăn trong việc quản lý nước và đảm bảo cung cấp nước hàng ngày cho khách”.

Theo truyền thống, nước uống trên đảo được lấy từ các tầng chứa nước ngầm, trong khi nước dùng cho nông nghiệp được lưu trữ trong các bể chứa lớn được xây dựng sau Thế chiến thứ hai. Cả hai hệ thống đều dựa vào lượng mưa mùa đông, vốn ngày càng khan hiếm. Và trong 30 năm qua, việc bảo trì thiết yếu đối với mạng lưới thủy lợi đã bị bỏ bê.

Việc phát hiện ra một tầng chứa nước ngầm vào tháng 11 năm ngoái cho thấy một nguồn tài nguyên tiềm năng quan trọng. Các nhà địa chất đã xác định được lưu vực ngầm ở độ sâu khoảng 800m bên dưới dãy núi Iblei thuộc tỉnh Ragusa. Lưu vực này được cho là chứa khoảng 17 tỷ m3 nước. “Nếu khả năng chứa nước tiềm năng được xác nhận, hồ chứa khổng lồ này có thể trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng trong trung và dài hạn” - Thống đốc Schifani cho biết.

Hà Anh