Vị thế Việt Nam
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng 8 lịch sử, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đã chủ trì Lễ kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) vào tối 29/8, tại Hà Nội.
Điểm lại quá trình suốt 79 năm qua của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Thắng lợi của đất nước ta là do toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết đồng lòng, muôn người như một, cùng với đoàn kết quốc tế trong sáng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận định ấy khẳng định quan hệ ngoại giao của chúng ta với các nước không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Vị thế ấy được xây đắp không ngừng nghỉ bằng trái tim, khối óc và cả sự hy sinh của biết bao lớp người Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thì khẳng định: Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Có được điều đó là nhờ, Đảng, Nhà nước ta luôn “Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.
Trên bình diện quốc tế, đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới. Việt Nam được Liên hợp quốc ghi nhận vai trò tiên phong trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và thúc đẩy quyền con người.
Việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng cùng các hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã góp phần tạo nên tầm vóc chiến lược mới, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các mối quan hệ. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Không chỉ tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như ASEAN, APEC... mà chúng ta còn hoàn thành rất tốt nhiều trọng trách tại các cơ chế quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, UNESCO…
Đó đều là những dấu mốc vẻ vang và chói lọi của dân tộc Việt Nam trong bề dày lịch sử 79 năm mà không phải quốc gia nào cũng có được. Đó là nhờ, Đảng dẫn đường cho cách mạng Việt Nam từ những ngày còn hoạt động bí mật, đến khi ra công khai và cả khi chúng ta đã giành được độc lập, đến giai đoạn tập trung phát triển kinh tế hiện nay.
“Có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, đó là do tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; đồng thời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Đại đoàn kết dân tộc - ý chí tự lực, tự cường - khát vọng về độc lập tự do - đó có lẽ cũng chính là sức mạnh Việt Nam - một sức mạnh đã được hun đúc để góp phần tạo nên vị thế đất nước như hôm nay.
Và, trong thời gian tới, khi tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn, cơ hội và thách thức đan xen, bài học về đại đoàn kết, về bản lĩnh, ý chí Việt Nam sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng để chúng ta vượt qua gian khó, khẳng định và giữ vững vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.