Xã hội

Có nên quy định giờ làm việc bán thời gian cho học sinh, sinh viên?

Lê Bảo 31/08/2024 09:29

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất, học sinh, sinh viên (HS, SV) đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động được làm việc bán thời gian không quá 24 giờ trong 1 tuần trong thời gian học. Như vậy so với dự thảo lần 1, lần này Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần 3 đã có sự điều chỉnh đối với quy định giờ làm thêm với HS, SV.

bai-chinh(1).jpg
Sinh viên tìm việc làm tại phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Ảnh: L.H.

Giờ làm thêm không quá 24 giờ/tuần

Pháp luật hiện hành chưa quy định giờ làm thêm của HS, SV mà chỉ quy định chung thời gian làm việc của người lao động (NLĐ) là không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.Vì vậy, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐTBXH đề xuất đưa vào quy định HS, SV đang theo học các chương trình giáo dục chính quy và đủ 15 tuổi thì được làm việc, nhưng không quá 24 giờ/tuần trong thời gian học và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động.

So với dự thảo lần đầu lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ LĐTBXH đã nâng thời gian làm thêm giờ mỗi tuần của HS, SV từ 20 giờ lên 24 giờ. Như vậy, HS, SV bị khống chế thời gian làm việc bằng một nửa thời gian của NLĐ bình thường theo Bộ luật Lao động.

Dự thảo mới nhất quy định mức sàn tiền công cho nhóm này thay vì để hai bên tự thỏa thuận. Theo đó, mức lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ hiện hành, vùng 1 là 23.800 đồng, vùng 2 là 21.200 đồng, vùng 3 là 18.600 đồng và vùng 4 là 16.600 đồng.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất, NLĐ là HS, SV khi làm việc bán thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục đào tạo. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là HS, SV theo quy định pháp luật về lao động. Về phía cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ HS, SV trong quá trình làm việc sau khi đã thông báo về tình trạng việc làm.

“Quy định trên nhằm hướng tới bảo đảm HS, SV vừa thực hiện tốt việc học tập; đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập. Hoặc để có kinh nghiệm làm việc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của HS, SV trong quá trình làm việc” - đại diện Bộ LĐTBXH cho hay.

Nhiều ý kiến trái chiều

Góp ý cho đề xuất việc làm bán thời gian của HS, SV Bộ Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi trong thực hiện, bảo đảm phù hợp với bối cảnh quản lý kinh tế - xã hội của Việt Nam, việc đề xuất chính sách cần có giải pháp và cách thức quản lý đi kèm.

Trong khi đó, UBND TPHCM đề nghị cơ quan soạn thảo tách ra thành 2 đối tượng là HS, SV để có quy định số giờ được phép làm việc trong kỳ học phù hợp cho từng đối tượng. Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, tiền công của HS, SV được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng chất lượng công việc đã thực hiện nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và các phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà cho rằng, quy định thời gian làm việc cho HS, SV là câu chuyện rất khó. Bởi vì nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, SV làm thêm đến 30 tiếng/tuần cũng không đủ tiền để chi tiêu. Nhưng nếu quy định thời gian làm việc quá nhiều thì ảnh hưởng đến việc học của SV; bởi nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập.

Trước những ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Vũ Trọng Bình thừa nhận đề xuất trên đang có nhiều luồng ý kiến là để cho HS, SV làm việc như lao động bình thường. Tuy nhiên, có ý kiến chưa đồng thuận, bởi nếu làm việc như vậy thì HS, SV không còn thời gian để học tập.

Về tính hợp pháp của đề xuất, Bộ LĐTBXH lý giải, Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động đã quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Cạnh đó, một số quốc gia trên thế giới đều quy định giới hạn thời gian làm việc của HS, SV. Chính vì vậy, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời tạo điều kiện cho HS, SV nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe cho việc học và làm việc, dự thảo Luật đề xuất đưa vào quy định giới hạn thời gian làm thêm trong thời gian học…

Cũng theo ông Bình, dự luật đang ở bước xây dựng nên cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của người dân nhằm hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến. Mục đích là khi luật được ban hành đảm bảo tính khả thi. Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2024.

Lê Bảo