Tháng Tám ở 'Thủ đô gió ngàn'
Về Tuyên Quang những ngày này, chứng kiến những đổi thay rõ nét và “quả ngọt” trên chặng đường vượt khó của thầy và trò ngay trước thềm năm học mới 2024-2025. Với việc số hóa và ứng dụng công nghệ tin học - con đường gieo chữ của xứ Tuyên đã phẳng dần thành xa lộ.
Bừng sáng đất sử
Giữa nắng trưa cuối tháng Tám, nhóm nữ sinh Trường THPT Sơn Dương (Tuyên Quang) chăm chỉ luyện tập văn nghệ ở sân trường. “Các em đã tự chọn tiết mục văn nghệ chào mừng khai giảng và lên kế hoạch tập luyện đấy” – ông Nông Quốc Duy - Hiệu trưởng nhà trường nói.
Ngôi trường chạm tuổi 60 năm, từ thuở chỉ có vài thầy cô giáo và 1-2 lớp học mái lá, đứng chân ở vùng ATK gió ngàn heo hút, nay bề thế khang trang với những dãy phòng học hai tầng, nhà đa năng, phụ trợ chức năng kiên cố, vườn hoa, nhà để xe rộng rãi với 1.600 học sinh và 73 cán bộ, giáo viên.
Là điểm sáng trong top 10 trường THPT tốt nhất xứ Tuyên về chất lượng giáo dục với gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Máy chiếu, vi tính, phòng trực tuyến, thiết bị thực hành, thí nghiệm khá đầy đủ, đáp ứng đổi mới dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cuộc thi khoa học kỹ thuật mới đây, trường đạt giải Nhất và nhiều giải khác, có cả học sinh đạt giải Olympic Toán, Khoa học, và cả viết báo Quốc tế Asiarope. Đặc biệt cuộc thi Vietnam Open Robotics, trường đã vào sâu vòng 2, xếp thứ 12 trong tổng số 189 đội tuyển toàn quốc... “Ứng dụng khoa học công nghệ với sổ sách điện tử, học bạ điện tử, sử dụng các phần mềm dạy học đã được chúng tôi triển khai từ lâu. Còn ngày hội khai giảng thì được tổ chức rất sôi động, năm nào cũng vậy” - ông Nông Quốc Duy chia sẻ.
Em Nguyễn Hoàng Đan (dân tộc Tày, học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử, Trường THPT Sơn Dương, Tuyên Quang) dẫn chúng tôi lên tầng 2 khu nhà hiệu bộ thăm phòng trưng bày lưu niệm. Đứng chân vùng đất sử đỏ với hơn 200 địa điểm di tích Cách mạng, ngôi trường ghi tên hơn 20 liệt sĩ là cựu học sinh và hàng nghìn thanh niên từ mái trường này lên đường nhập ngũ. Đặc biệt yêu thích môn Sử, cậu học trò dân tộc Tày cùng thầy Hiệu trưởng giới thiệu về từng bức ảnh, trang kỷ yếu, danh tính liệt sĩ cựu học sinh.
Cách đó không xa, Trường THCS Hồng Thái cũng đã hoàn tất việc chuẩn bị đón khai giảng năm học mới, bà Nguyễn Thị Hồng Gấm - Hiệu trưởng nhà trường đang cùng nhóm giáo viên trẻ tổ chức buổi gặp mặt 8 học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nhiều năm vừa được đầu tư xây dựng một tòa nhà hiện đại, niềm vui nhân lên đón năm học mới.
Sơn Dương, địa danh cội nguồn Cách mạng cách thành phố tỉnh lỵ gần 30km giờ có đường nhựa phẳng lỳ kéo về, không còn heo hút như thuở nào với 30 đơn vị cấp xã, huyện lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Ngôi trường liên cấp 1-2 Lê Văn Hiến vừa được Bộ Tài chính đầu tư gần 70 tỷ đồng nâng cấp cải tạo trên khu đất rộng tới 2,3ha. “Xã Minh Thanh cũng vừa được Bộ Công an đầu tư hoàn chỉnh trường lớp” - ông Trần Văn Bút - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Sơn Dương cho biết.
Tin vui ngay trước thềm năm học mới: Ngày 24/8, em Nguyễn Ánh Dương (học sinh lớp 4A1 Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Tuyên Quang) đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế HKIMO (tổ chức tại Hồng Kông, Trung Quốc). Cuộc thi Toán (bằng tiếng Anh) hội tụ hơn 1.000 thí sinh đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, không chỉ tăng cường khả năng tư duy sáng tạo của học sinh tiểu học mà còn là cơ hội để mở rộng mối quan hệ giao lưu văn hóa quốc tế.
Biến thách thức thành cơ hội
Phấn khởi nhưng cũng đầy trăn trở, ông Hoàng Việt Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, những năm qua, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của tỉnh Tuyên Quang đã chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm trường lẻ và còn đó chất lượng chưa đều giữa các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Đất núi Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang, Lâm Bình... nhiều nơi thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng, nhất là các bộ môn tiếng Anh và Tin học.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Trào, ngôi trường đã đạt chuẩn quốc gia từ 12 năm trước, sau 30 năm xây dựng giờ đã xuống cấp, mái dột, bàn ghế hư hỏng. Thầy trò cùng nhau khắc phục. “Nhưng sắp có dãy phòng học mới rồi. Huyện đã có dự án cho Tân Trào” - bà Thảo cười rất vui chỉ tay về phía nhóm giáo viên và học sinh đang quét lại vôi ve chỗ bục sân khấu chuẩn bị đón khai giảng năm học mới.
Xứ Tuyên không thể đuối nhịp con chữ. Tỉnh chú trọng tăng cao mức khen thưởng học sinh giỏi và có chiến lược dài hơi cho giáo dục mũi nhọn khi ban hành chính sách hỗ trợ thầy giỏi, trò giỏi. Hiệu quả ngay tức thì, năm học vừa qua Tuyên Quang có tới 55 giải thưởng (12 giải Nhì, 20 giải Ba và 23 giải Khuyến khích), xếp thứ 5/14 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc về số giải.
Và đặc biệt, tỉnh lần đầu tiên có học sinh được GDĐT triệu tập tham gia kỳ thi lập đội tuyển dự thi Olympic quốc tế. Càng ấn tượng khi hai năm liên tiếp, học sinh Tuyên Quang có dự án đạt giải Nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, được Bộ GDĐT lựa chọn tham dự Hội thi Khoa học kĩ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ.
Nói về những giải pháp, biện pháp cụ thể nâng cao chất lượng giáo dục, biến thách thức thành cơ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương cho biết, Tuyên Quang rất chú trọng huy động nguồn lực, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trường lớp, học, thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại. Tỉnh đã chi gần 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025. Tỉnh trải thảm mời gọi bất kỳ sinh viên nào tốt nghiệp Đại học Sư phạm loại giỏi về công tác, ưu đãi đặc biệt đối với học sinh giỏi. Chỉ riêng chi cho Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tổng kinh phí đã trên 900 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Tuyên Quang luôn nằm trong nhóm 25 tỉnh, thành dẫn đầu, duy trì trong top 5 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2024 cao hơn so với năm 2023 và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3/14 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc.
Nâng tầm con chữ, không chỉ nâng cao dân trí mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, dịch vụ và du lịch. Một thế hệ công dân có “năng lực số” đã ra đời, xứng đáng với vị thế quê hương cách mạng.
Tất cả 7/7 đơn vị cấp huyện của tỉnh Tuyên Quang đạt phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, trên 50% đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Cả tỉnh đã đạt chuẩn THCS mức độ 2. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm trung bình xứ Tuyên cao hơn so với năm 2023 và xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 3/14 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Điểm bình quân môn Hóa học, Sinh học cao nhất cả nước; điểm thi khối thi đại học B0 cao nhất cả nước, khối A0 xếp thứ 6, khối A01 xếp thứ 7; toàn tỉnh có 117 điểm 10...