Chính trị

Mặt trận Việt Minh: Khi muôn người như một

Cẩm Thúy (thực hiện) 01/09/2024 07:33

Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 5/1941, tại Pác Bó. Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh (Việt Minh) để đoàn kết dân tộc chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa. Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các hình thức và tên gọi khác nhau, thời kỳ Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng Minh từ năm 1941 - 1951) là một mốc son chói lọi với đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19/8, tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

anh-chinh-4ok.jpg
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19/8/1945. Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN.

Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nói rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn xa trông rộng, chuẩn bị sẵn để Mặt trận Việt Minh giữ vai trò quyết định cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 trong bối cảnh Đảng mới chỉ có 5.000 đảng viên vào thời điểm đó.

anh-nho-4.jpg
TS Nguyễn Viết Chức.

PV: Thưa ông, nhìn lại lịch sử, có thể thấy bối cảnh ra đời Mặt trận Việt Minh vào thời điểm ấy có ý nghĩa như thế nào?

TS Nguyễn Viết Chức: Từ đầu năm 1941, vừa về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng. Tại Hội nghị Trung ương 8, tháng 5/1941, Người đã xác định “một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Các đoàn thể trong Việt Minh đều mang tên cứu quốc nhằm đoàn kết mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi.

Trong thư “Kính cáo đồng bào” tháng 6/1941, Người viết: “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có tài năng góp tài năng”.

Tổng bộ Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, đồng thời nêu rõ mục đích: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật – Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng nên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.

Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh Đảng mới chỉ có 5.000 đảng viên, trang thiết bị vũ khí thô sơ, Nguyễn Ái Quốc nhìn ra sức mạnh của quần chúng, của đoàn kết dân tộc, Mặt trận Việt Minh ra đời chính là nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ấy.

Thưa ông, bây giờ nhìn lại, Mặt trận Việt Minh đã có vai trò như thế nào trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945?

- Tôi cho rằng Mặt trận Việt Minh giữ vai trò quan trọng quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Nói đúng hơn là Đảng và Bác Hồ đã chuẩn bị sẵn để Mặt trận Việt Minh giữ vai trò đó. Vì sao tôi lại nói như vậy. Khi quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là Đảng đã xác định Đảng nằm trong nhân dân, trong khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng biết hóa thân vào lòng nhân dân, Đảng sinh ra trong lòng nhân dân và thể hiện khát vọng của nhân dân.

Thậm chí, chúng ta đều biết sau ngày 2/9, đến tháng 11/1945 Đảng tuyên bố tự giải tán, chuyển vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận hoạt động công khai dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Marx ở Đông Dương, mọi hoạt động công khai của Đảng đều thông qua Mặt trận Việt Minh.

Quả nhiên, thưa ông, bằng hình thức Mặt trận Việt Minh liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, khởi đầu chỉ bằng một cuộc biểu dương lực lượng, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.

- Bây giờ nhìn lại, chúng ta vẫn thấy đó là một sự thần kỳ. Không thể hình dung nổi chỉ với 5.000 đảng viên, lại không có phương tiện liên lạc hiện đại, mà Tổng khởi nghĩa đồng loạt nổ ra ở khắp cả nước, thậm chí có những địa phương khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra cùng vào ngày 19/8 với Hà Nội. Hội nghị Quốc dân họp ở Tân Trào ngày 13/8 nhận định Tổng khởi nghĩa đã chín muồi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa. Nhưng nhiều nơi đã nổi dậy khi còn chưa nhận được chỉ thị của Trung ương.

Thậm chí, chỉ đạo của Trung ương chưa về đến Hà Nội, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra ôn hòa ở Hà Nội ngày 19/8, với cuộc mít tinh của hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ có mấy nhà lãnh đạo của Đảng lúc ấy là Nguyễn Khang, Trần Tử Bình…

Chúng ta lý giải thế nào nếu không phải là nhờ sức mạnh nhân dân, sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.

Thưa ông, đó chính là bài học to lớn mà mỗi năm, vào dịp này chúng ta đều nên nhắc lại?

- Vai trò quyết định của Mặt trận Việt Minh trong thành công của Cách mạng Tháng Tám (tất nhiên là Đảng lãnh đạo chứ, nhưng như tôi nói ở trên là Đảng biết hóa thân vào lòng dân tộc, vào khát vọng của nhân dân) là một bài học vĩ đại về sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Đảng và Bác Hồ chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, để Việt Minh tổ chức và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Lúc ấy, thế nước còn chưa mạnh, để giành được độc lập tự do chỉ có đoàn kết dân tộc cách mạng mới thành công.

Bằng vào việc thành lập Mặt trận Việt Minh, lần đầu tiên có một Mặt trận theo đúng truyền thống đoàn kết muôn người như một, không bỏ sót ai và khi không phân biệt giai cấp, tầng lớp, trong lòng dân tộc chỉ có quy tụ, tất cả đều là ta thì sức mạnh toàn dân tộc được nhân lên gấp bội.

Bằng việc thành lập Mặt trận Việt Minh, Người tin rằng chỉ toàn dân mới làm được cách mạng, Người tin vào sức mạnh nhân dân, như chân lý mà Người đã đúc rút: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu vẫn xong”.

Kể từ năm 1941, với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, tình hình cách mạng ngày càng chuyển biến và rồi như chúng ta đã thấy, từ một cuộc biểu dương lực lượng đã biến thành một cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Bài học về sức mạnh nhân dân từ Cách mạng Tháng Tám 1945 không bao giờ là cũ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Vai trò quyết định của Mặt trận Việt Minh trong thành công của Cách mạng Tháng Tám là biểu hiện sinh động của việc Đảng hóa thân vào lòng dân tộc, vào khát vọng của nhân dân; là bài học vĩ đại về sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc.

Cẩm Thúy (thực hiện)