'Sức dân' từ dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 4/9, Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 ghi nhận thêm nhiều ý kiến thảo luận của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Nhất trí với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nội dung về tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần diễn đạt sâu sắc hơn nữa để thấy rõ việc vận động được "sức dân" khi đất nước gặp khó khăn hoạn nạn. Đồng thời cần đề cập sức mạnh nhân dân trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bổ sung thêm nội dung “văn hoá - giáo dục”.
Đề cập nội dung đánh giá việc vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước, bà Nguyễn Thị Doan nêu rõ, thời gian qua, phong trào xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước quan tâm và được triển khai rộng khắp. Bởi vậy Báo cáo chính trị cần làm rõ nét hơn nữa về nội dung này, từ đó đề ra phương hướng triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đã đề cập.
Nhắc tới lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân", bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, MTTQ Việt Nam phải khai thác triệt để "dân là gốc", cũng là để phát huy vai trò vô cùng quan trọng của Mặt trận. Có thể thấy, nhiệm kỳ vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc chưa bao giờ thể hiện mạnh mẽ như vậy, nhất là trong thời điểm phòng chống Covid-19.
"Làm thế nào để Báo cáo chính trị cho thấy sức mạnh của nhân dân, nhân dân là cội nguồn của tất cả", bà Nguyễn Thị Doan kiến nghị.
Góp ý vào nội dung đánh giá Báo cáo chính trị, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng cần nhấn mạnh hoạt động giám sát và phản biện xã hội và cần có đánh giá sâu sắc về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đánh giá về thể chế cũng như việc tạo điều kiện để thực hiện hoạt động này.
"Đây được xem là điểm mấu chốt trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam. Nên coi giám sát và phản biện xã hội là một nội dung của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước thông qua các tổ chức chính trị -xã hội nghề nghiệp của mình", GS Trần Ngọc Đường khẳng định.
GS Trần Ngọc Đường cũng kiến nghị, cần có một quy định cụ thể để giúp Hội đồng tư vấn chủ động hơn trong tham mưu, giúp việc cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhất là trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Châu Âu, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho rằng, ở góc độ người Việt Nam ở nước ngoài, có thể khẳng định thành công của nhiệm kỳ 2019-2024 của MTTQ Việt Nam thể hiện rõ qua nhiều sự kiện nổi bật, trong đó phải kể đến sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, MTTQ Việt Nam đã vận động, xây dựng được 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc. "Âm vang" từ hoạt động chăm lo cho người nghèo tỉnh Điện Biên không chỉ dừng ở trong nước mà có ảnh hưởng rộng lớn đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Theo ông Hoàng Đình Thắng, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách mà ngay cả những quy định, dự thảo sửa đổi Luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan trong nước tổ chức chương trình Xuân quê hương cùng nhiều chương trình khác thể hiện sự quan tâm đối với kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Và từ sự quan tâm đó, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm hơn. Rất nhiều trí thức, chuyên gia kiều bào đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Góp ý tại Hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng dự thảo báo cáo chính trị cần đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được và chỉ ra được những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ, đây là cơ sở để MTTQ Việt Nam xây dựng 6 chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới.
Theo ông Thường, một trong những nội dung quan trọng mà báo cáo chính trị cần tập trung làm rõ là đánh giá về hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đây cũng chính một trong những hoạt động rất quan trọng của MTTQ Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Những năm gần đây Đảng đánh giá rất cao hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo chính trị phải đánh giá được hoạt động của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực trong thực hiện các chương trình hành động nhiệm kỳ qua và triển khai các chương trình hành động mới trong nhiệm kỳ tới.
"Trong phương hướng mục tiêu của nhiệm kỳ 2024-2029, MTTQ Việt Nam đặt ra 6 chương trình hành động trong đó có một chương trình mới là phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, để thực hiện thông suốt chương trình mới này xuống địa bàn dân cư, cần quan tâm đến tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư bởi đây là lực lượng tiến hành cụ thể đến với người dân, đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân theo tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Thường nói.
Và để thực hiện hiệu quả các chương trình hành động của MTTQ khóa X, ông Thường đề xuất phải có những giải pháp căn cơ, trong đó đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên, bởi lẽ hoạt động của các tổ chức thành viên là góp phần quan trọng vào thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.