Quốc tế

Nhật Bản với chiến dịch cải cách phong cách làm việc

Hà Anh 05/09/2024 07:49

Nhật Bản đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đáng lo ngại bằng cách thuyết phục nhiều cá nhân và công ty áp dụng phương án làm việc 4 ngày/tuần.

Phương án đột phá

Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ đối với tuần làm việc ngắn hơn vào năm 2021, sau khi các nhà lập pháp thông qua ý tưởng này. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa được chấp nhận. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, khoảng 8% công ty tại nước này cho phép nhân viên nghỉ 3 ngày trở lên mỗi tuần, trong khi 7% cho phép nhân viên của mình nghỉ 1 ngày theo quy định của pháp luật.

Với hy vọng thu hút nhiều người tham gia hơn, đặc biệt là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Nhật Bản đã phát động chiến dịch "cải cách phong cách làm việc" thúc đẩy giờ làm việc ngắn hơn và các chế độ linh hoạt khác cùng với giới hạn làm thêm giờ và chế độ nghỉ phép có lương hàng năm. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản gần đây đã bắt đầu cung cấp tư vấn miễn phí, trợ cấp và thư viện những câu chuyện thành công để tạo thêm động lực.

“Bằng cách hiện thực hóa một xã hội mà người lao động có thể lựa chọn nhiều phong cách làm việc khác nhau dựa trên hoàn cảnh của họ, chúng tôi hướng đến mục tiêu tạo ra một chu kỳ tăng trưởng và phân phối có lợi và cho phép mọi người lao động có triển vọng tốt hơn cho tương lai” - trang web của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nêu về chiến dịch “hatarakikata kaikaku”, có nghĩa là “đổi mới cách chúng ta làm việc”.

Bộ phận giám sát các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp mới cho biết, cho đến nay, chỉ có 3 công ty tiến hành yêu cầu tư vấn về việc thực hiện các thay đổi, các quy định có liên quan và các khoản trợ cấp có sẵn, minh họa cho những thách thức mà sáng kiến này phải đối mặt.

Theo ông Yohei Mori, người giám sát sáng kiến tại một công ty thuộc Panasonic, trong số 63.000 nhân viên của Panasonic Holdings Corp đủ điều kiện làm việc theo lịch trình 4 ngày tại nhà sản xuất thiết bị điện tử này và các công ty trong tập đoàn tại Nhật Bản, chỉ có 150 nhân viên chọn làm việc theo lịch trình này.

Việc chính phủ chính thức ủng hộ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn thể hiện sự thay đổi rõ rệt ở Nhật Bản - một quốc gia có nền văn hóa “nghiện” công việc nổi tiếng thường được ghi nhận là nguyên nhân giúp đất nước phục hồi và tăng trưởng kinh tế vượt bậc sau Thế chiến thứ II.

Áp lực phải hy sinh vì công ty của một người theo chủ nghĩa tuân thủ là rất lớn. Người dân thường đi nghỉ cùng thời điểm trong năm với đồng nghiệp của họ - trong kỳ nghỉ lễ Bon vào mùa hè và vào năm mới - vì vậy đồng nghiệp không thể cáo buộc họ là vô trách nhiệm hoặc vô tâm.

Một báo cáo gần đây của chính phủ về "karoshi" - thuật ngữ tiếng Nhật có nghĩa là "tử vong do làm việc quá sức" cho biết, Nhật Bản có ít nhất 54 trường hợp tử vong như vậy mỗi năm, bao gồm cả do đau tim.

Thay đổi tư duy

Một số quan chức coi việc thay đổi tư duy là rất quan trọng để duy trì lực lượng lao động khả thi trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh của Nhật Bản. Theo dữ liệu của chính phủ, với tốc độ hiện tại - một phần là do văn hóa tập trung vào công việc của đất nước, dân số trong độ tuổi lao động dự kiến sẽ giảm 40% xuống còn 45 triệu người vào năm 2065, từ mức 74 triệu người hiện tại.

Những người ủng hộ mô hình nghỉ 3 ngày cho biết, mô hình này khuyến khích những người nuôi con, những người chăm sóc người thân lớn tuổi, người về hưu sống bằng lương hưu và những người khác đang tìm kiếm sự linh hoạt hoặc thu nhập bổ sung để tiếp tục làm việc lâu hơn.

Cô Akiko Yokohama làm việc tại Spelldata - một công ty công nghệ nhỏ có trụ sở tại Tokyo cho phép nhân viên làm việc theo lịch trình 4 ngày, nghỉ vào thứ Tư cùng với thứ Bảy và Chủ nhật. Ngày nghỉ thêm cho phép cô có thể đi làm tóc, tham dự các cuộc hẹn hoặc đi mua sắm.

"Thật khó khi bạn không khỏe để làm việc 5 ngày liên tiếp. Thời gian còn lại cho phép bạn hồi phục hoặc đi khám bác sĩ. Về mặt cảm xúc, điều này ít căng thẳng hơn" - Yokohama cho biết.

Chồng của Yokohama - một nhà môi giới bất động sản, cũng được nghỉ vào thứ Tư nhưng làm việc vào cuối tuần, một điều rất phổ biến trong ngành bất động sản. Yokohama cho biết, điều này cho phép cặp đôi có thể đi chơi gia đình vào giữa tuần với đứa con đang học tiểu học của họ.

Fast Retailing Co., công ty Nhật Bản sở hữu Uniqlo, Theory, J Brand và các thương hiệu quần áo khác, công ty dược phẩm Shionogi & Co., các công ty điện tử Ricoh Co. và Hitachi cũng bắt đầu áp dụng phương án làm việc 4 ngày 1 tuần trong những năm gần đây.

Xu hướng này thậm chí còn được chú ý trong ngành tài chính vốn nổi tiếng là ngốn thời gian khi Công ty môi giới SMBC Nikko Securities Inc. đã bắt đầu cho phép nhân viên làm việc 4 ngày 1 tuần vào năm 2020. Gã khổng lồ ngân hàng Mizuho Financial Group thì cung cấp tùy chọn lịch trình làm việc 3 ngày.

Tuy nhiên, vẫn có những người chỉ trích kế hoạch của chính phủ khi cho rằng, trên thực tế, những người làm việc theo lịch trình 4 ngày thường kết thúc bằng việc vẫn làm việc chăm chỉ như bình thường nhưng lại được trả lương ít hơn.

Làm việc thêm giờ là điều bình thường ở Nhật Bản. Mặc dù 85% người sử dụng lao động báo cáo rằng, họ cho nhân viên nghỉ 2 ngày/tuần và có những hạn chế về giờ làm thêm, được đàm phán với các công đoàn lao động và nêu chi tiết trong hợp đồng, nhưng một số người Nhật Bản vẫn làm thêm giờ, nghĩa là việc làm này không được báo cáo và thực hiện mà không được trả công.

Hà Anh