Chuyển động cùng nhạc kịch
Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.
Phong phú các vở diễn
Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát SangsangMaru (Hàn Quốc) vừa “bắt tay” cho ra mắt công chúng vở nhạc kịch “Zorba - Chú mèo thám tử”. Đây là vở nhạc kịch cách đây 10 năm đã dàn dựng tại Hàn Quốc và được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, với phiên bản ra mắt khán giả Việt Nam, tác phẩm đã được thể hiện với diện mạo hoàn toàn mới.
Theo NSƯT Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đây là một vở nhạc kịch được dàn dựng và thực hiện theo những phương pháp mà các bạn Hàn Quốc đã tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện qua nhiều thập niên. Những nghệ sĩ tham gia cùng Nhà hát Tuổi trẻ đều là những người có thâm niên và niềm đam mê sâu sắc với loại hình nhạc kịch, họ đã mang đến những chất liệu và ngôn ngữ đương đại đầy tươi mới và sáng tạo.
Còn đạo diễn âm nhạc Rhim Seyoung (Hàn Quốc) chia sẻ, đây là một tác phẩm dành cho gia đình, thân thiện với trẻ em và cũng mang lại niềm vui cho cả người lớn. Mặc dù Hàn Quốc và Việt Nam có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, nhưng chúng tôi đã cùng nhau tạo ra vở nhạc kịch này với một tấm lòng, tình cảm chung dành cho khán giả Việt Nam. Với tình hữu nghị ngày càng sâu đậm giữa Hàn Quốc và Việt Nam, tôi hy vọng khán giả Việt Nam sẽ thực sự yêu thích vở nhạc kịch và cảm nhận được sự hoành tráng, niềm vui, hơi ấm và giá trị quý báu của gia đình mà tác phẩm mang lại.
Trước đó, năm 2023, “Zorba - Chú mèo thám tử” cũng đã được giới thiệu tới khán giả tại Việt Nam dưới hình thức diễn đọc (Reading showcase) do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn phần âm nhạc và lời thoại (không bao gồm vũ đạo) kết hợp cùng với diễn xuất giàu cảm xúc của các nhân vật. Mặc dù đây là cách thể hiện còn mới mẻ và lạ lẫm đối với công chúng tại Việt Nam, nhưng là bước đi quan trọng trong quá trình thực hiện một vở nhạc kịch chuyên nghiệp theo quy chuẩn quốc tế, thể hiện sự nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật cũng như mong muốn mang đến một vở diễn hấp dẫn, gần gũi với khán giả.
Mối nhân duyên của Nhà hát SangSangMaru với nghệ thuật nhạc kịch tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2022 thông qua việc hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ trong việc đồng sản xuất vở nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh” nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Qua quá trình hợp tác này, đôi bên không chỉ nhận thấy sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng sâu sắc, mà còn phát hiện ra nhiều tiềm năng hợp tác mới trong lĩnh vực nhạc kịch.
Ngày càng chuyên nghiệp hơn
Có thể nói thông qua các mối “lương duyên” mang tầm quốc tế, sân khấu nhạc kịch đang trở nên chuyên nghiệp, “quốc tế hóa”.
Bên cạnh Nhà hát Tuổi trẻ, thời gian qua sân khấu nhạc kịch cũng đang “nở rộ” với hàng loạt vở diễn thông qua các hình thức từ mua bản quyền rồi Việt hóa đến kịch bản thuần Việt… Mới đây, khán giả yêu sân khấu Thủ đô đã có 2 đêm mãn nhãn với một ê kíp dàn dựng công phu từ âm nhạc, diễn viên đến sân khấu của vở nhạc kịch “Shrek”. Điều đáng nói là hầu hết các diễn viên tham gia biểu diễn đều là học sinh, sinh viên đang học tại các trường của Hà Nội.
Bên cạnh dàn dựng những vở diễn có kịch bản nước ngoài, nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước mạnh dạn thử sức với nhạc kịch thuần Việt như: “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM); “Hà Nội xưa và nay”, “Tôi đọc báo sáng nay” (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); “Trại hoa vàng”, “Sóng”, “Bữa tiệc của Elsa” (Nhà hát Tuổi trẻ); “Người cầm lái” (Nhà hát Công an Nhân dân).
Mới đây nhất, Đoàn Ca múa Hải Phòng công diễn “Bỉ vỏ” - vở nhạc kịch với đề tài về lịch sử, nhận được hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả và các nhà chuyên môn.
Là tác giả kịch bản của nhiều vở diễn, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cho rằng, ngoài nhạc kịch truyền thống, chúng ta có thể khám phá thêm các thể loại mới như nhạc kịch hiện đại, nhạc kịch dựa trên cốt truyện văn học với các truyện cổ, điển tích, điển cố và cả những sáng tác mới.
Sự đa dạng này đã tạo nên một luồng gió mới cho sân khấu, thu hút đối tượng khán giả rộng hơn và mang lại trải nghiệm mới mẻ cho công chúng thưởng thức. Đặc biệt, việc mở rộng hợp tác quốc tế thông qua kết nối với các nhà sản xuất, đạo diễn, và nghệ sĩ của các nhà hát cũng tạo nên vở diễn ấn tượng, đem lại góc nhìn mới, đa chiều về sân khấu nhạc kịch nói chung, kịch hát hay chương trình biểu diễn âm nhạc của Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, để nhạc kịch Việt Nam phát triển đúng tầm còn cần thời gian, cần nhiều sáng tạo hơn nữa để dẫn dắt công chúng tiệm cận gần hơn với nhạc kịch kinh điển thế giới, để nó có thể phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, nhà viết kịch Chu Thơm bày tỏ, một trong những lý do khiến nhạc kịch hấp dẫn người làm nghề vì những lợi thế về âm nhạc, vũ đạo, đặc biệt là công nghệ phát triển khiến các đơn vị nghệ thuật có thể tận dụng nhiều hình thức biểu diễn, các yếu tố nghệ thuật để gia tăng sức sáng tạo.
“Nhạc kịch mang đến sự tươi mới, nhiều năng lượng, đậm tính giải trí, tiệm cận đến với khán giả trẻ. Vì thế, những người làm sân khấu đã cố gắng để xóa bỏ quan niệm nhạc kịch là thể loại hàn lâm và khó thưởng thức bằng cách dựng nhiều vở nhạc kịch thuần Việt phục vụ các khán giả trẻ tuổi” - nhà viết kịch Chu Thơm cho biết.