Tăng cường phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.
Những vụ hỏa hoạn thời gian gần đây cho thấy công tác phòng cháy và chữa cháy đang đặt ra nhiều vấn đề. Nhất là tại cơ sở, bởi đây là nơi thường xuyên xảy ra cháy, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Không phải ngẫu nhiên, khi góp ý về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã có ý kiến của các ĐBQH đề nghị, bổ sung các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nước; kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ công tác phòng ngừa cháy, nổ.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, hiện Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung quy định chính sách về trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được chi từ ngân sách nhà nước thực hiện từ cấp trung ương đến địa phương.
Mới đây, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho rằng, thực tiễn công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở cấp huyện. Khi có báo cháy, xe chuyên dụng chữa cháy di chuyển đến các điểm ở xa thì cơ bản đám cháy đã cháy xong. Mặt khác phương tiện thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ được trang bị ở cơ sở còn rất nhiều hạn chế, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó cần tập trung đầu tư phương tiện phòng cháy chữa cháy đến các huyện, nơi có điều kiện có thể đầu tư đến cấp xã đối với các loại thiết bị phòng cháy chữa cháy thiết yếu. Đồng thời cần có ưu tiên thoả đáng nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang thiết bị, những phương tiện tiên tiến hiện đại, kể cả trang thiết bị là máy bay nhằm phục vụ tốt cho việc đảm bảo hiệu quả công việc phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Thậm chí, ĐBQH Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) còn kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm.
Liên quan đến đề xuất trên, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, đề xuất trên của đại biểu Quốc hội là hoàn toàn hợp lý vì cháy chủ yếu xảy ra ở cơ sở như: nhà cửa của người dân, các công trình trụ sở cơ quan nhà nước, chung cư cao tầng, các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Theo ông Trường, quan trọng là điều kiện để bảo đảm phòng cháy là khâu quan trọng, trong đó phòng là cơ bản. Ví như xây dựng các quy định, các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy từ quy hoạch đủ khoảng cách rộng để chống cháy lan, khói, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy trong xây dựng cơ bản; bố trí các hệ thống bảo đảm gồm nước, điện. Còn khi xảy ra cháy thì phải chữa. Tức là đặc điểm yêu cầu thế nào thì các phương tiện chữa cháy phải tương ứng. Kinh nghiệm của các nước trong chữa cháy đều có các phương tiện đi theo. Vì thang không bao giờ có thể lên cao đến mấy trăm mét, do đó phải có các trang thiết bị hiện đại như máy bay chữa cháy vì có những chỗ cao tầng, thang không thể tới được.
Ông Trường cũng nhấn mạnh thêm rằng: Cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước nhưng phải dành sự quan tâm thích đáng. Nếu không sẽ “bó tay”.
Đại tá Phạm Trường Dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, ĐBQH khoá XIII cũng đưa ra phân tích: Phòng cháy chữa cháy liên quan đến 2 chức năng. Một là phòng ngừa của người dân, tổ chức, cơ quan đơn vị, trong đó đặc biệt lưu ý tại cơ sở. Hai là chữa cháy, trong đó có việc đầu tư trang thiết bị chữa cháy ngay tại cơ sở vì cháy xảy ra tại cơ sở, cấp xã, phường.
“Cơ sở mà yếu thì không đủ điều kiện chữa cháy ngay từ đầu. Phải đầu tư tại cơ sở theo yêu cầu như xe chữa cháy, các thiết bị chữa cháy, thang chữa cháy nhà cao tầng”- ông Dân nói và nêu rõ xã hội càng phát triển thì nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngày càng cao. Phương tiện chữa cháy phải làm sao đáp ứng được yêu cầu, trong đó lưu ý đến công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ở dưới cơ sở. Nếu các địa phương có điều kiện “xã hội hóa” được thì rất tốt, để tránh việc dồn tất cả vào ngân sách nhà nước.