Nghệ An: Nhiều đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công
Tỉnh Nghệ An đã có văn bản phê bình 35 đơn vị chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư công chậm. Trong đó, có 4 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đáng nói, có một số đơn vị, dự án đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục, không vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
Phê bình 35 chủ đầu tư
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh Nghệ An, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng kế hoạch đầu tư công của tỉnh này mới giải ngân hơn 2.096 tỷ đồng, đạt 39,77%. Số vốn còn lại chưa giải ngân là hơn 3.175 tỷ đồng. Trong đó, nguồn đầu tư công tập trung còn 1.835 tỷ đồng; nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia còn 1.339 tỷ đồng.
Các đơn vị đến ngày 31/7/2024 chưa thực hiện giải ngân (0%) gồm: Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (24,103 tỷ đồng), Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (10,452 tỷ đồng), Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn (2,9 tỷ đồng), trong danh sách này còn có Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nghệ An hiện cũng chưa giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã nghiêm khắc phê bình 9 huyện, thị xã, gồm các huyện: Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Anh Sơn, Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa và 26 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện) giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh. Đáng nói, một số đơn vị có dự án đã hoàn thành các hồ sơ thủ tục, không có vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An ghi nhận, biểu dương 12 huyện, thành phố, thị xã và 22 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện) đã đạt được kết quả giải ngân trên mức trung bình của tỉnh (50,5% kế hoạch).
Các chủ đầu tư nói gì?
Bị phê bình vì chưa giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TNMT Nghệ An cho biết: Về mặt hồ sơ thủ tục, Sở TNMT đã hoàn thiện từ năm 2023. Ông Việt giải thích: “Việc chưa giải ngân vốn như tỉnh phê bình, nguyên nhân là do dự án xây dựng cơ sở dữ liệu của chúng tôi, ngoài vốn ngân sách còn có vốn ODA, mà vốn này hiện bên ODA đang thẩm định, nên chúng tôi chưa thể hoàn thành công tác quyết toán”.
Cũng bị UBND tỉnh phê bình vì nội dung trên, ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thẳng thắn: “Với tư cách là lãnh đạo Trường, tôi xin nhận phê bình của tỉnh. Trong tổng số 70 tỷ đồng thực hiện “Dự án Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, đến nay chúng tôi đã giải ngân còn hơn 10 tỷ đồng. Trong số này, trước ngày 8/8/2024, chúng tôi đã giải ngân được hơn 4 tỷ đồng, do việc cập nhật thông tin đến các sở, ngành chưa đồng bộ nên mới có số liệu như vậy”.
Đối với 9 huyện bị phê bình vì giải ngân vốn đầu tư công dưới mức bình quân của tỉnh (dưới 50%), qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Nhàn - Trưởng Ban quản lý dự án huyện Hưng Nguyên cho biết: Huyện Hưng Nguyên năm 2024 được tỉnh giao hơn 58 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được dưới 10%. Nguyên nhân khiến việc giải ngân thấp là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (gồm 2 dự án đường giao thông, 1 dự án thuỷ lợi), điều chỉnh dự án, ảnh hưởng thời tiết và nhà thầu khó khăn về vốn…“Tuy nhiên, chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công như kế hoạch đề ra”- bà Nhàn khẳng định.
Năm 2024, tỉnh Nghệ An được Chính phủ giao vốn đầu tư công là 9.076,67 tỷ đồng. Kết quả giải ngân 7 tháng đầu năm của tỉnh này đạt 4.583 tỷ đồng, bằng 50,5% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (40,2%) và cao hơn bình quân chung cả nước (34,68%); xếp thứ 3/29 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc tổ 2 và xếp thứ 2/13 địa phương.