Tinh hoa Việt

Mai này, bãi giữa sông Hồng

XUÂN NGUYỄN 08/09/2024 07:41

Bãi giữa sông Hồng, nơi có những xóm trọ tạm bợ, những cảnh đời lam lũ, những “lúa ngô khoai sắn” giữa lòng Thủ đô, có thể trở thành “nơi tận hưởng thiên nhiên” của người dân Thủ đô, nếu các ý tưởng được hiện thực hóa.

“Đi câu không anh, em mới tìm được điểm mới ở bãi giữa sông Hồng”, một cậu bạn rủ. Đang rảnh rỗi, thế là xách túi cần câu lên đường. Chúng tôi đến giữa cầu Long Biên, nơi một đường bê tông chỉ vừa một xe máy có thanh chắn bằng thép dẫn xuống vùng đất bãi. Đi lòng vòng qua những ruộng ngô, vườn ổi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được điểm câu, là một vịnh nhỏ, gần như không có sóng hay dòng chảy mạnh, nhiều lau sậy, bãi bèo, là nơi lý tưởng để lũ cá ẩn nấp.

thay.jpg
Toàn cảnh bãi giữa sông Hồng, khu vực chân cầu Long Biên tới chân cầu Chương Dương.

Những xóm trọ “nhảy dù”

Một cậu bé chừng 8-9 tuổi đang lang thang bên bờ nước. Cậu nói hai mẹ con cậu, quê quán ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, ở trọ gần đó. Ban ngày mẹ đi bán hoa quả ở chợ Long Biên, tối mới về. Bố mất sớm vì bệnh, mẹ con cậu đưa nhau ra Hà Nội kiếm sống. Gần đây có thêm bà nội ra ở cùng.

Trong căn nhà trọ chừng 15 m2 được dựng lên bằng những vật liệu rẻ tiền, bà Mai Thị Hường, 63 tuổi, đang ngồi bên những chai lọ nhựa và đủ thứ linh tinh mà bà nhặt ở khắp nơi về. Bà nói không ở được với con trai và con dâu nên từ Thanh Hóa ra Hà Nội, ngày ngày đi nhặt ve chai kiếm sống. Hôm nay, chân đau nên bà ở nhà. Bà Hường bảo tuy không có hộ khẩu ở đây nhưng cháu bà cũng được chính quyền sở tại tạo điều kiện cho đi học. Đang dịp hè, lớp nghỉ nên cậu bé chỉ còn biết quanh quẩn ở nhà. Dân xóm trọ chủ yếu là người ngoại tỉnh, về Hà Nội lao động chân tay. “Thuê ở đây gần chỗ mẹ nó làm, giá lại rẻ hơn nhiều chỗ khác”, bà Hường nói.

Ở xóm trọ có đủ loại người, từ những ông có nhà cửa trong nội thành nhưng muốn kiếm một nơi tụ bạ, những người buôn bán nhỏ, thợ xây dựng, đến những họa sĩ trẻ chưa thành danh muốn kiếm một nơi giá rẻ thuê mở xưởng vẽ… Mỗi người một lý do nhưng ít nhất cũng gắn bó với xóm trọ kiểu “nhảy dù” ở vùng đất bãi sông này vài ba năm. “Tôi thì mới, nhưng mẹ con nó đã ở đây hơn 5 năm rồi đấy” bà Hường nói.

Các bãi nổi, bãi bồi ven sông Hồng khu vực thành phố Hà Nội được nói là rộng khoảng 328 ha, thuộc bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên của thành phố Hà Nội. Riêng bãi giữa (phần lớn diện tích thuộc quận Hoàn Kiếm) rộng khoảng 23 ha, theo KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội.

“Trong khi Hoàn Kiếm đất chật, người đông, người dân thiếu không gian công cộng thì bãi giữa chủ yếu được sử dụng để trồng rau màu và còn nhiều diện tích bỏ hoang là sự lãng phí lớn. Từ lâu, nhiều ý kiến đã đề nghị thành phố khai thác không gian này”, KTS Nguyễn Bá Nguyên nói tại hội thảo Đề án Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng - Tầm nhìn và giải pháp, diễn ra cuối tháng 11/2023.

“Hiện tượng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng vẫn còn xảy ra, nhiều hộ dân tự ý dựng lều lán tạm với kết cấu chủ yếu là nhà khung cột tre, mái lá, vách liếp”, ông Nguyên nhận định.

Quy hoạch, khai thác không gian bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là câu chuyện kéo dài từ nhiều năm qua nhưng chưa có hồi kết. Ngày 28/5 vừa qua, câu chuyện này lại được nêu lên, khi Quốc hội thảo luận về dự luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo luật đề xuất cho phép Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.

Trước đó, ngày 10/5, cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại Khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng được tổ chức nhằm tìm kiếm ý tưởng thiết kế khai thác quỹ đất khu vực bãi nổi giữa và bãi bồi ven sông Hồng đã khởi động, sau một số hội thảo cùng chủ đề.

Đa dạng cách khai thác

Việc khai thác các bãi nổi, bãi bồi ven sông đã diễn ra ở khắp các thành phố trên thế giới. Nước là khởi nguồn của sự sống và hầu như các thành phố lớn đều gắn bó với ít nhất một con sông. Tùy thuộc điều kiện thổ nhưỡng, thủy văn và các yếu tố khác mà việc khai thác các bãi nổi trên sông rất đa dạng. Ví dụ như đảo Roosevelt trên sông Đông thuộc thành phố New York được biến thành khu dân cư với hơn 10.000 người sinh sống.

Cũng tại New York, nhiều bãi bồi, bãi nổi được biến thành công viên và khu vui chơi giải trí, cung cấp không gian cho người dân thành phố thư giãn và tận hưởng thiên nhiên. Pelham Bay trên sông Bronx là một trong những công viên lớn nhất New York, phù hợp cho các hoạt động đi bộ đường dài, cắm trại và chèo thuyền kayak. Một số bãi bồi được biến thành khu bảo tồn thiên nhiên, nơi sinh sống của các loài động thực vật hoang dã. Ví dụ bãi Rikers ở sông Đông từng là nơi giam giữ tù nhân nhưng hiện nay trở thành một khu bảo tồn động vật hoang dã với các loài chim, dơi và rùa. Vườn Bách thảo New York trên sông Bronx là một khu vườn thực vật rộng lớn với hơn 12.000 loài cây từ khắp nơi trên thế giới.

Giống như New York, nhiều bãi nổi ở Thượng Hải có dân cư sinh sống, với các khu nhà ở, trường học, cửa hàng. Sùng Minh là bãi nổi lớn nhất Thượng Hải, nằm ở cửa sông Dương Tử với hơn 700.000 dân sinh sống. Nhiều bãi nổi ở Thượng Hải được phát triển thành khu du lịch, thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và văn hóa.

Xét trên các khía cạnh, có thể thấy khu vực bãi nổi, bãi bồi ven sông Hồng vừa có giá trị sinh thái, cảnh quan và văn hóa-lịch sử.

Đánh giá về giá trị khu vực bãi giữa sông Hồng, KTS Nguyễn Văn Tuyên (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, đây là “viên ngọc sinh thái” giữa Thủ đô khi lâu nay, nơi đây trở thành vườn sinh thái của nhiều loài chim cư trú. TS. KTS Nguyễn Hoàng Minh (Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhận định khu vực bãi giữa sông Hồng có một điểm nhấn lịch sử quan trọng là cây cầu Long Biên, hội đủ các giá trị lịch sử, kết cấu, cảnh quan, kiến trúc…thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà quy hoạch, cảnh quan, kỹ sư kết cấu, kiến trúc sư, nhà sử học… và đặc biệt là sự yêu mến của cộng đồng cư dân Thủ đô Hà Nội cũng như trong nước và bạn bè quốc tế.

Một điểm quan trọng khác, theo ông Minh, là sự thay đổi của sông Hồng trong những năm gần đây. Dựa trên ảnh vệ tinh chụp từ năm 1984-2023, có thể thấy khoảng 20 năm trở lại đây, sông đã có sự ổn định, thu hẹp dòng chảy, mực nước suy giảm đã tạo nên sự thay đổi không gian bãi giữa sông Hồng theo hướng mở rộng, dịch chuyển, kết nối với phần bờ phía nam sông Hồng, tạo nên quỹ đất ngày càng lớn, là cơ sở tạo lập nên các công trình văn hóa ở đây.

Tuy nhiên, xây dựng cái gì và như thế nào là điều cần phải tính toán kỹ, theo một kiến trúc sư người Pháp. Olivier Souquet, người tham gia thiết kế Quảng trường Trung tâm Thủ Thiêm, Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TPHCM cho rằng bãi giữa sông Hồng là không gian xanh tự nhiên. Ở các đô thị Việt Nam, nhiều nhà cao tầng mọc lên làm thay đổi toàn bộ cảnh quan đô thị và một nơi có thể mang lại “khoảng thở” cho cư dân chính là vùng ven sông. Những dải đất ven sông là nơi duy nhất nước có thể thoát ra. Đó là một không gian “sống” với đa dạng sinh học phong phú, việc làm “ngạt thở” nó bằng các kết cấu kè bê tông như hiện nay sẽ “mang lại cái chết từ từ” cho dòng sông… “Với việc xây dựng công viên ở bãi giữa, tôi cho rằng cần nghiên cứu rất kỹ. Có những phần chúng ta phải tác động nhưng có phần phải để nguyên trạng tự nhiên”, ông Souquet nói tại hội thảo về đề án xây dựng công viên ở bãi giữa sông Hồng.

Nhưng cải tạo khu vực bãi nổi không phải là điều mới và thế giới đã có nhiều mô hình hay để Việt Nam tham khảo.

Chỉ có điều, nếu một công viên văn hóa hay thứ gì đại loại thế được xây dựng ở bãi giữa sông Hồng, mẹ con bà cháu bà Hường sẽ phải tìm trọ ở nơi khác. Nhưng cuộc sống là vậy, dù ngày mai có ra sao thì sông vẫn chảy, xã hội vẫn phải vận động và đi lên.

XUÂN NGUYỄN