Người đàn ông dành tình yêu thương với những chú chó, mèo bị bỏ rơi
Từ năm 2014 đến nay, anh Trần Văn Sơn (37 tuổi, quê ở Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; hiện đang sinh sống tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dành nhiều thời gian để cứu trợ và chăm sóc những chú chó, mèo bị bỏ rơi, ngược đãi.
Thương cảm với những chú chó, mèo bị bỏ rơi
Năm 2014, trong một lần đi ngang qua cầu Trường Hà (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) anh Trần Văn Sơn vô tình bắt gặp 2 chú chó bị bỏ rơi. “Thấy chúng tội nghiệp quá. Hỏi những người xung quanh mới biết chúng bị bệnh và bị chủ mang đến vứt bỏ, lang thang ở khu vực này nhiều ngày. Sau đó, tôi đã mang chúng đến một cơ sở chăm sóc động vật để điều trị. Vì vết thương quá nặng, dù đã cố gắng chạy chữa hàng tháng trời nhưng chúng vẫn không qua khỏi”, anh Sơn kể lại.
Day dứt về sự việc trên, anh Sơn quyết tâm thành lập hội cứu trợ và xây dựng cơ sở vật chất để tiếp nhận, chăm sóc những trường hợp chó, mèo bị bỏ rơi, ngược đãi. Theo anh Sơn, việc làm của anh ban đầu nhiều người dị nghị, nói bị khùng. “Vợ tôi dù thông cảm nhưng nhiều lúc cũng bảo thế. Tôi đã mặc kệ tất cả, quyết tâm thực hiện mong muốn của mình là thành lập hội cứu trợ Pet tại Huế”, anh Sơn nói.
Đến nay, anh Sơn không nhớ cụ thể trong 10 năm qua bản thân anh đã cứu trợ và giúp cho bao nhiêu trường hợp chó, mèo có cuộc sống tốt hơn. Nhưng anh khẳng định, đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019, anh Sơn nhận được thông tin về một chú chó đang đi lang thang ở khu vực Đào Duy Anh (TP Huế) trong tình trạng miệng bị buộc, cơ thể bốc ra mùi hôi thối và khá hung dữ, không cho người khác tiếp cận.
Đến tận nơi, nhìn vào tình hình của chú chó này, anh Sơn nhận định, có thể nó bị bắt trộm. Kẻ trộm đã chích điện khiến nó ngất đi rồi dùng dây buộc miệng lại. Trong lúc chở đi, chú chó này may mắn chạy thoát. Sự việc đã diễn ra trong nhiều ngày, vết thương xung quanh miệng chú chó này đã bắt đầu bị hoại tử. Nếu không tiếp cận, tháo bỏ dây buộc miệng, chữa trị phần bị thương kịp thời thì chú chó này sẽ chết vì bị thương và đói, khát.
May mắn, chú chó này sau đó được anh Sơn cứu chữa thành công. Qua các kênh thông tin, một người đã liên hệ anh Sơn xin nhận nuôi chú chó này và đặt tên cho nó là Kaden.
Một lần khác, anh Sơn đã dành khoảng 2 tháng trời để tiếp cận, xây dựng “tình bạn” và đưa thành công chú chó bị bỏ rơi lâu ngày, dễ kích động tại thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) về chăm sóc. Hay, có lần, anh Sơn đã ngâm mình trong nước lạnh hàng giờ đồng hồ để bơi theo và đưa thành công chú chó bị vứt bỏ, rơi xuống khu vực Cống Bạc (TP Huế) lên bờ mang về chăm sóc…
Chỉ tình thương thôi là chưa đủ
Trải qua 10 năm dành nhiều thời gian cho hoạt động cứu trợ chó, mèo, anh Sơn cho rằng, để nuôi chó, mèo nhất là trong khu vực thành thị thì chỉ có tình thương với chúng thôi là chưa đủ. Người chủ phải có trách nhiệm với chúng, trách nhiệm với cộng đồng và có đủ thời gian, điều kiện thì mới chăm sóc, gắn bó lâu dài với chúng được.
Do đó, để có thể nhận nuôi các trường hợp chó, mèo đã được anh Sơn cứu trợ, người chủ mới phải đảm bảo các yêu cầu, như cam kết tiêm phòng đầy đủ, không bạc đãi, không mua bán và không giết thịt vật nuôi.
“Tôi quan tâm và đưa điều kiện tiêm phòng đầy đủ lên hàng đầu bởi lẽ, đây là hành động hạn chế tình trạng vật nuôi có thể bị bệnh và gây nguy hiểm cho những người xung quanh”, anh Sơn chia sẻ.
Được biết, hiện nay, anh Sơn đã có một khu vực tiếp nhận chăm sóc chó, mèo bị bỏ rơi, ngược đãi. Đồng thời, anh cũng hỗ trợ cho nhiều người tìm lại vật nuôi đi lạc hoặc nghi bị bắt trộm. Ngoài ra, người đàn ông này cũng có nhiều lần phát hiện, bàn giao động vật hoang dã cho cơ quan chức năng thả về tự nhiên.
Trong năm 2022, Chủ tịch UBND TP Huế có 2 lần tặng giấy khen cho anh Trần Văn Sơn vì đã có thành tích trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn TP Huế.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Sơn cho biết, dù được đầu tư, tuy nhiên, quy trình và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cứu trợ chó, mèo vẫn cần được nâng cấp.
“Thời gian qua, có những trường hợp chó, mèo bị thương quá nặng, chi phí chữa trị vượt quá khả năng, tôi đã phải kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của những người hảo tâm. Tôi rất biết ơn và luôn công khai những đóng góp, hỗ trợ này trên các nền tảng mạng xã hội.
Mong rằng thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả những người hảo tâm. Cá nhân tôi sẽ tiếp tục hoạt động cứu trợ chó, mèo của mình cho đến khi không còn khả năng thực hiện nữa. Tôi đang ấp ủ, sẽ xây dựng một trung tâm có thể cứu trợ được nhiều chó, mèo bị bỏ rơi hơn nữa”, anh Sơn tâm sự.