Người ‘một cánh tay’ với rừng xanh biên giới
Bị nhóm lâm tặc chém cụt mất một cánh tay nhưng hàng chục năm qua, vượt qua nỗi đau thể xác, bằng một nghị lực phi thường và bền bỉ, chàng kiểm lâm ấy vẫn kiên trì gắn bó với những cánh rừng già biên giới. Với anh, bảo vệ rừng không chỉ là công việc mà còn là lý tưởng sống.
Ký ức đau đớn
Chúng tôi gặp kiểm lâm viên Dương Quang Hùng (41 tuổi) một ngày cuối tháng 8 vừa qua. Hiện nay, anh đang công tác tại Trạm kiểm lâm số 2 thuộc Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Sau nhiều năm, nỗi đau thể xác dường như đã làm anh nguôi ngoai đi rất nhiều, đặc biệt là được sự giúp đỡ chân thành của đồng đội cũng như đã xây dựng một tổ ấm gia đình nho nhỏ. Anh Hùng nhìn chúng tôi cười bảo sau biến cố của cuộc đời, anh phải mất gần một năm nằm bệnh viện điều trị cũng như thêm chừng hai năm nữa để vận động, làm quen với hoàn cảnh mới của mình. Nhưng điều may mắn nhất với anh sau biến cố là tiếp tục được làm kiểm lâm, tiếp tục gắn bó với công việc giữ rừng. “Do sức khoẻ tôi không còn được như trước nên lãnh đạo đã quyết định bố trí cho tôi những công việc phù hợp với bản thân. Trong đó chủ yếu là làm việc trên máy tính, nhập thông tin số liệu cũng như ghi chép các vấn đề của cơ quan. Ngoài ra tôi cũng phụ trách soạn thảo văn bản, nhập thông tin số liệu và các thông tin khác liên quan tới hoạt động bảo vệ, gìn giữ rừng cùng hệ động thực vật rừng của Vườn quốc gia do lãnh đạo yêu cầu. Nhìn chung công việc cũng không quá vất vả nhưng yêu cầu mình phải tìm hiểu nhiều hơn, bổ sung các kiến thức và kỹ năng mới. Thậm chí tôi vẫn có thể đi tuần tra rừng cùng anh em đồng đội mỗi khi có yêu cầu”, anh Dương Quang Hùng chia sẻ.
Tìm hiểu, anh Hùng là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở vùng núi tỉnh Cao Bằng. Sau khi học xong trường trung cấp Lâm nghiệp, anh vào công tác ở ngành kiểm lâm của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Ngày định mệnh đến với anh vào buổi tối hồi tháng 9/2009, khi vừa chuyển tới Trạm kiểm lâm số 1 (thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập) để tăng cường công tác bảo vệ rừng. Lúc đó khi vừa ăn cơm tối xong thì có hai người chạy xe gắn máy vào Trạm hỏi thăm vài câu vu vơ. Nhưng chỉ chừng 15 phút sau thì có một nhóm khoảng 5 người mặt mũi hung tợn, tay cầm dao, mã tấu sắc nhọn ập vào Trạm kiểm lâm. Nhóm người này liên tục hỏi tên 2 người là Hùng và Bộ. Trong đó anh Bộ làm kiểm lâm viên làm việc ở đây lâu năm còn anh Hùng thì mới tới được vài hôm. Sau đó chúng sử dụng hung khí tấn công tới tấp khiến anh em kiểm lâm không kịp trở tay. Hậu quả là cả anh Hùng và anh Bộ đều bị thương nặng nhưng vết thương của anh Hùng ở chỗ hiểm nên khi phẫu thuật các bác sĩ đã không thể giữ lại cánh tay của anh từ khuỷu trở xuống.
Sau này khi ra toà, khai nhận trước pháp luật thì nhóm hung thủ này cho biết là người dân địa phương, được người nhà kể lại rằng ở trạm kiểm lâm này có 2 người là anh Hùng và anh Bộ kiểm tra rất gắt gao, thường xuyên chặn bắt những vụ việc chặt phá rừng vi phạm. Vì thế chúng nảy sinh căm ghét, thù hận nên rủ nhau tìm tới để “dằn mặt” hai kiểm lâm viên này. Điều đặc biệt là anh Hùng mà chúng nhắm tới là kiểm lâm viên đã chuyển đi, còn anh Dương Quang Hùng bị mất một cánh tay thì vừa mới được điều về để tăng cường. Cả hai người cùng có tên là Hùng và do những kẻ gây án chỉ nghe kể tên, không biết mặt nên chúng đã chém nhầm người! Sau đó, dù nhóm người trên đã phải trả giá trước pháp luật về hành vi ngông cuồng của mình thì cánh tay của anh Dương Quang Hùng vẫn mãi mãi không lấy lại được.
Rừng xanh cứu rỗi đời tôi
Trò chuyện cùng người kiểm lâm viên có dáng người khá nhỏ nhưng ánh mắt kiên định và rắn rỏi này, chúng tôi mới thấy khâm phục nghị lực của anh. Anh Hùng bảo thời gian đó, anh tưởng như mình đã gục ngã bởi khi vào đây công tác, anh chỉ có một mình. Thế nhưng, nhờ sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp và lãnh đạo Vườn quốc gia Bù Gia Mập, anh dần dần bình phục cả về thể xác lẫn tinh thần. Quá trình đó kéo dài khoảng hai năm, với một năm đầu chỉ nằm ở các bệnh viện và thời gian sau là tập làm quen với cuộc sống mới.
Anh kể sau khi bình phục, được lãnh đạo bố trí làm công việc trở lại, anh đã làm đơn đề xuất xin xét công nhận là thương binh. Tuy nhiên hồ sơ của anh liên tục bị từ chối và không được công nhận với nguyên nhân vụ việc xảy ra ở ngoài giờ hành chính. Anh Hùng bảo, với nghề kiểm lâm thì thời gian ngoài giờ hành chính mới là lúc các anh phải làm việc, vất vả nhất để ngăn chặn và bảo vệ rừng. Thế nên, anh tiếp tục kiên trì làm đơn và cho tới năm 2014, tức là 5 năm sau vụ việc mới được hưởng chính sách giống với thương binh. Nghĩa là mỗi tháng anh được trợ cấp thêm 2 triệu đồng, gần đây được tăng lên 3 triệu đồng như một chút ghi nhận và an ủi với bản thân anh.
Trong khi đó, theo ông Vương Đức Hoà, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập, vụ việc của anh Hùng xảy ra là điều đáng tiếc. Sau đó, ban quản lý đã nhiều lần kiến nghị, làm hồ sơ để lực lượng chức năng công nhận thương binh, để anh ấy được hưởng thêm chế độ đúng với những mất mát đã chịu đựng. Do vụ việc xảy ra ngoài giờ hành chính nên đơn kiến nghị phải mất một thời gian xem xét mới được công nhận. Hiện nay công việc và cuộc sống của anh Hùng đều khá thuận lợi, yên tâm công tác.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau những biến cố và mất mát, cuộc sống của chàng kiểm lâm Dương Quang Hùng bắt đầu hái trái ngọt kể từ khi anh được hưởng chế độ thương binh năm 2014. Trước đó, khi vừa làm việc vừa tới trạm y tế để kiểm tra sức khoẻ, lấy thuốc từ bác sĩ trong quá trình hồi phục chức năng thì anh quen được một người con gái của đời mình. Tới năm 2014, anh đã lập gia đình trong niềm vui và hạnh phúc của đồng đội, đồng nghiệp và người thân.
Vừa mở chiếc laptop để ghi chép các công việc, vừa kể về cuộc sống hiện tại, anh Dương Quang Hùng cười bảo sau khi lập gia đình, vợ chồng anh có được hai người con. Cậu con trai đầu năm nay đã 9 tuổi, còn cô gái sau cũng đã 7 tuổi. Gia đình anh đã có một căn nhà nhỏ cách nơi anh đang làm việc vài chục cây số nên mỗi tuần anh đều bắt xe đò về thăm vợ con một lần. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là sau biến cố của cuộc đời, khi được lãnh đạo Vườn quốc gia giao nhiệm vụ và công việc mới, anh Hùng lại tiếp tục vừa học vừa làm để lấy được tấm bằng Đại học Lâm nghiệp. Anh bảo, mình đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Đi học thêm để lấy tấm bằng đại học không gì ngoài mục đích có thêm kiến thức để phục vụ công việc được tốt hơn, để không phụ lòng của lãnh đạo và khiến lãnh đạo không phải băn khoăn khi giao việc cho mình. “Tôi sinh và lớn lên ở rừng. Gắn bó với rừng mấy chục năm và tất cả những vui buồn, hạnh phúc của đời mình đều dưới tán rừng. Vì thế mong muốn cả đời được gắn bó với công việc kiểm lâm, bảo vệ rừng mà thôi”, anh Hùng ánh mắt kiên định chia sẻ.