Xã hội

Khi học trò ‘nghiện net’

TRÚC MAI 08/09/2024 12:49

Anh Hoàng Đức Thắng (*) nói cảm thấy rất hối hận vì trong một thời gian dài không chú ý việc sử dụng internet của cậu con trai đang học lớp 8.

124.png
Nghiện internet có thể tác động tiêu cực đến kết quả học tập của trẻ nhỏ. Ảnh: plano.com.

“Bây giờ cháu lúc nào cũng như người ở trên mây, luôn thiếu tập trung, suốt ngày chỉ cắm mặt vào máy tính hay điện thoại chơi game hoặc xem video trên YouTube hay TikTok. Học lực vốn trung bình, nay lại càng đuối”, anh nói.

Các nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ, Hy Lạp cho thấy thanh thiếu niên được cha mẹ quan tâm sẽ dành thời gian cho các hoạt động khác thay vì sử dụng internet. Điều này thúc đẩy sự phát triển thể chất, nhận thức và xã hội. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ phía gia đình, thanh thiếu niên có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội thông qua các trải nghiệm trên mạng.

Anh Thắng, làm nghề buôn gỗ, trú ở thôn Yên Vỹ, xã Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh có hai đứa con, vợ bán hàng ngoài chợ. Bé gái thứ hai học lớp 4 khiến anh yên tâm hơn vì năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Nhưng cậu con lớn 13 tuổi đang khiến anh chị đau đầu vì học hành sa sút, có nguy cơ không vào nổi cấp ba. “Gần đây, tôi giật mình khi nhận ra cháu hầu như không để ý thứ gì ngoài cái điện thoại hay máy tính. Lắm khi nghe lén cháu nói chuyện với bạn đồng lứa mà mình không hiểu hết được, nhưng đại loại toàn là những câu chuyện trai gái trên mạng xã hội. Cháu rất không tập trung khi học tập hay khi được giao giúp việc nhà cho bố mẹ. Tôi nghĩ nguyên nhân là do một thời gian dài hai vợ chồng mải làm ăn đã để mặc cháu sử dụng internet, không kiểm soát mỗi ngày cháu dùng mạng bao lâu”, anh Thắng, 45 tuổi, nói. “Vợ chồng tôi cứ nghĩ con ở nhà học bài rồi xem phim, chơi game, không lang thang lêu lổng là tốt, ai dè”.

Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Y và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nghiện internet là một loại nghiện hành vi - một vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên, với nhiều tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần, xã hội. Để làm rõ tác động của việc nghiện internet với sức khỏe tâm thần, nhóm nghiên cứu đã khảo sát gần 110 bệnh nhân điều trị nội trú tại Viện Sức khỏe Tâm thần từ tháng 12/2020-12/2022, trong độ tuổi 10-24. Kết quả cho thấy 100% số bệnh nhân sử dụng internet và tỷ lệ được xếp vào dạng nghiện internet là 43,1%.

Nhóm nghiên cứu nhận định, Việt Nam là nước đang phát triển với cơ cấu dân số trẻ, cùng với sự phát triển của công nghệ viễn thông, giới trẻ tiếp cận internet ngày một sớm trong đó 40% người sử dụng internet dưới 25 tuổi. Hơn nữa việc sử dụng internet gây hại được nhận thấy gia tăng nhanh trong độ tuổi trẻ, dẫn đến những hậu quả về thể chất, tinh thần và xã hội.

Theo kết quả nghiên cứu, số người bệnh nghiện internet trong nhóm sử dụng từ 3 giờ mỗi ngày trở lên chiếm 71,4%, cao hơn đáng kể so với số người bệnh nghiện internet trong nhóm sử dụng dưới 3 giờ mỗi ngày, chiếm 13,2%.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy thời gian sử dụng internet có liên quan đến mức độ phụ thuộc internet, đặc biệt là thời gian sử dụng với mục đích giải trí. Trong nhóm người bệnh nam giới sử dụng internet với mục đích ưu tiên là chơi trò chơi điện tử trực tuyến, tỷ lệ người bệnh nghiện internet là 61,5%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ người không nghiện internet ở nhóm người bệnh này là 38,5%. Nguy cơ nghiện internet của nhóm nam giới sử dụng ưu tiên trò chơi điện tử cao gấp 3,73 lần so với nhóm còn lại.

“Gần đây, do cô giáo liên tục phàn nàn về kết quả học tập của cháu, tôi mới để ý theo dõi. Và tôi nhận thấy con mình mỗi ngày dùng internet đến 5-6 tiếng đồng hồ và chủ yếu là chơi game, xem linh tinh trên các mạng xã hội, không hề dùng mạng vào những việc có ích như học hành, tìm kiếm kiến thức”, anh Hoàng Đức Thắng cho hay. “Bây giờ, cứ thỉnh thoảng cháu lại lảm nhảm vài câu nói đang hot trên các mạng xã hội, kiểu như “tiền không mua được tất cả nhưng ta có thể làm tất cả vì tiền”.

Cậu con trai anh Thắng không phải là trường hợp cá biệt. Năm 2021, một nhóm nghiên cứu của Đại học Y Dược TPHCM khảo sát gần 1.500 học sinh thuộc 4 trường THCS và 4 trường THPT (các khối 8,9,10,11,12) tại TPHCM và nhận thấy hơn 90% học sinh sử dụng internet hằng ngày, chủ yếu truy cập từ 2-4 giờ/ngày (45,8%). Nhóm nghiên cứu nhận định học sinh càng sử dụng internet nhiều thì khả năng nghiện internet càng cao. Phần lớn học sinh thường truy cập internet ở nhà, trong phòng riêng (85%). Điện thoại di động là thiết bị mà học sinh thường dùng nhất để truy cập internet (92%). Các phương tiện như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính cá nhân hay dùng chung đều có mối liên quan đến nghiện internet. Đa số học sinh khi sử dụng internet đều truy cập các trang mạng xã hội (92,4%), một số hoạt động cũng chiếm tỉ lệ cao như nghe nhạc (77,8%), xem phim (75,1%), học tập (72,8%), nói chuyện với người khác (71,9%), chơi game (70,1%). Hầu hết các yếu tố này đều liên quan, có ý nghĩa thống kê với tình trạng nghiện internet ở học sinh.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Y Dược TPHCM nhận định sự quan tâm của cha mẹ là yếu tố góp phần làm giảm nghiện internet ở học sinh. Tỷ lệ học sinh nghiện internet có sự quan tâm của cha (48,2%), hoặc sự quan tâm của mẹ (34,1%) là thấp hơn so với tỷ lệ này ở nhóm học sinh không nghiện internet, lần lượt là 58,2% và 50,9%. Tuy nhiên, nhóm học sinh nghiện internet có tỷ lệ bảo vệ quá mức của cha mẹ lại cao hơn so với nhóm học sinh không nghiện internet.

“Ở độ tuổi này, thanh thiếu niên thường biểu lộ rõ tính tự lập, tâm lý cho rằng người lớn không đánh giá đúng đắn, nghiêm túc những điều các em nghĩ, những việc các em làm cũng như sự trưởng thành của các em. Do đó, thanh thiếu niên dễ có xu hướng xa lánh người lớn. Việc nắm bắt được tâm lý lứa tuổi và xác định các học sinh có nguy cơ cao nghiện internet sẽ giúp ích cho việc đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp”, nhóm nghiên cứu khuyến nghị.

Các nghiên cứu được thực hiện ở Ấn Độ, Hy Lạp và một số nơi khác cho thấy thanh thiếu niên được cha mẹ quan tâm sẽ dành thời gian cho các hoạt động khác thay vì sử dụng internet. Điều này thúc đẩy sự phát triển thể chất, nhận thức và xã hội. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ phía gia đình, thanh thiếu niên có xu hướng tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội thông qua các trải nghiệm trên mạng.

Tuy nhiên, từ chỗ không quan tâm, nay vợ chồng anh Thắng đang phân vân, chưa biết nên làm gì để hỗ trợ cậu con trai. “Các cháu dùng điện thoại trong việc học tập rất nhiều, tôi thấy không thể thu lại điện thoại. Bây giờ vợ chồng tôi đang rất bối rối. Cháu học yếu, không biết có nên cho cháu nghỉ, đi học nghề sớm, hay cố gắng thúc cháu chăm chỉ hơn để cố gắng vào được trung học. Điều quan trọng trước mắt là giúp cháu cai nghiện internet, nhưng thú thực là tôi không rõ cần phải làm gì lúc này”, anh Thắng nói.

(*)Tên nhân vật đã được thay đổi.

TRÚC MAI