Tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua nhằm cải thiện đời sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2016, cả nước đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình người DTTS. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân ở địa bàn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đã giúp người dân phát triển sản xuất tại chỗ, bảo đảm thu nhập và ổn định cuộc sống. Theo đó, các địa phương đã di dân, bố trí dân cư vùng thiên tai khoảng 9.000 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn 2.600 hộ; bố trí, sắp xếp dân cư biên giới 1.500 hộ; bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, quy hoạch dân ra khỏi rừng 2.500 hộ.
Kết quả giải quyết đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho đồng bào DTTS nghèo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm... từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết. Trong đó, việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS đang và sẽ đối diện với những thách thức, như việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống.
Để giúp đồng bào ổn định đời sống và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, Bộ Trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng đất, trong đó có việc sử dụng đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS. Điều này cũng là để thực hiện mục tiêu được hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đặt ra đó là, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Đối với Luật Đất đai (sửa đổi), ở khía cạnh phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi cần có những quy định đặc thù, phù hợp với văn hóa, sinh kế của đồng bào DTTS. Việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giải quyết nhu cầu cấp bách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào mà còn có ý nghĩa đối với việc thi hành phù hợp hơn và hiệu quả hơn chính sách, pháp luật đất đai hướng tới phát triển bền vững.
Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS theo hướng bổ sung các quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn về điều kiện, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi. “Ở nhiều nơi, người dân đã trồng cây từ hàng chục năm và dựa vào đó làm nguồn sinh kế qua nhiều thế hệ. Do đó, khi quy hoạch sử dụng đất, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đúng mức đến việc tháo gỡ vướng mắc về giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS”, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ.