Cẩn trọng với những hội nhóm trên sàn chứng khoán
“Chơi” chứng khoán trong những năm qua được nhiều người xem như là một kênh đầu tư hiệu quả nhằm gia tăng lợi nhuận, tài sản. Tuy nhiên việc mọc lên như nấm sau mưa các hội nhóm Zalo, Viber, Telegram… để phím mã chứng khoán khiến cho hoạt động đầu tư mất đi tính minh bạch. Ngày càng nhiều thủ đoạn “lùa gà” tinh vi trên sàn chứng khoán.
Mời tham gia nhóm để nhận mã lãi khủng
Thực trạng các hội nhóm trên Zalo, Viber, Messenger được lập ra rồi gửi lời mời kết bạn cùng nhau phím mã cổ phiếu đang rất phổ biến.
Mới đây Cơ quan CSĐT (Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng về hành vi: Thao túng thị trường chứng khoán mà cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam.
Căn cứ tài liệu, hồ sơ cơ quan CSĐT xác định 2 trong số 7 đối tượng cầm đầu là Trần Bình Minh và Nguyễn Hoàng Thi. Theo điều tra, xác minh trong khoảng thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 10/2023, thông qua hoạt động tổ chức các hội nhóm trên Zalo, nhóm đối tượng Minh với vai trò nhà đầu tư tự do, cầm đầu đã cấu kết, lôi kéo nhiều thành viên trong nhóm liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng đến cung cầu và giá chứng khoán; sử dụng nhiều tài khoản để liên tục mua bán mã cổ phiếu CMS.
Thủ đoạn của Minh thực hiện mua gom mã cổ phiếu CMS với giá thấp để đẩy giá mã cổ phiếu CMS tăng rồi bán ra kiếm lời.
Còn các đối tượng Nguyễn Hoàng Thi và 5 đối tượng liên quan đã lập, sử dụng các hội nhóm trên ứng dụng Zalo, Telegram bàn bạc, trao đổi về cổ phiếu sau đó hô hào, đưa ra ý kiến về giao dịch nhiều mã cổ phiếu, trong đó có mã CMS nhằm định hướng quyết định mua bán của các nhà đầu tư sau khi nhóm đối tượng đã nắm giữ cổ phiếu đó, nhằm tạo ảnh hưởng đến diễn biến giá của mã CMS trong năm 2023.
Điển hình, trong một số ngày, các quản trị viên đưa ra trước ý kiến về giá của cổ phiếu CMS phản ánh đúng diễn biến giá giao dịch thật của cổ phiếu CMS trên thị trường trong phiên hoặc giá của cổ phiếu CMS ngày hôm sau.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Minh lập nhóm chat nội bộ “Nội bộ anh em KTC” (trên ứng dụng Zalo và Telegram) để truyền đạt các nội dung cụ thể cho từng người đăng tải các thông tin lên hội nhóm, đồng thời chỉ đạo các admin hoặc phó nhóm “kích” (đẩy) ra khỏi nhóm các thành viên nhắn tin đưa thông tin bất lợi, tiêu cực cản trở quá trình đẩy giá cổ phiếu CMS của Minh.
Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh vào tháng 9/2023, Minh và các đối tượng liên quan đã bán ra lượng lớn cổ phiếu CMS để thu lời bất chính, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại do giao dịch cổ phiếu CMS bị thao túng giá trong giai đoạn trên, làm giảm tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Để mua vào, nắm giữ cổ phiếu, cũng như để “gánh” giả mã CMS trong thời gian thao túng, nhóm đối tượng do Minh cầm đầu đã sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán mua - bán mã CMS.
Về việc thổi giá mã cổ phiếu người chơi chứng khoán còn nhớ những vụ án điển hình mang tính chất, phương thức thủ đoạn cũ của các đối tượng thao túng thị trường chứng khoán đó là vụ án Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings đã thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng nhờ chiêu trò thổi giá cổ phiếu. Đỗ Thành Nhân đã bắt tay với Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt đề ra chiến thuật mua bán để thao túng giá chứng khoán hai mã cổ phiếu BII và TGG, đẩy giá cổ phiếu tăng cao.
Theo đó, cả hai đã lập ra 17 tài khoản mua bán chéo lẫn nhau hai cổ phiếu này nhằm thao túng tạo cung cầu giả, đưa giá cổ phiếu dao động ban đầu từ 1.000-5.000 đồng lên gần 34.000 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần, dẫn đến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm và tham gia mua bán. Sau khi lập vùng giá ở đỉnh, nhóm Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam đã thực hiện xong việc bán chốt lời, thu lợi bất chính.
Người dân nên cẩn trọng
Nhiều phân tích chỉ ra, trên thị trường nhiều năm qua, nhà đầu tư cá nhân thường rất dễ bị "hội chứng đám đông" và thích tham gia các hội, nhóm kín để tìm hiểu thông tin "mật" hay được "phím" mã cổ phiếu sắp tăng giá. Họ rất dễ bị dẫn dắt và làm theo nên cũng dễ "rước họa vào thân".
Các "đội lái" hay các nhóm thao túng cổ phiếu thường lợi dụng đặc tính này của các nhà đầu tư nhỏ lẻ để tung chiêu trò "lùa gà". Phổ biến nhất là mời gọi tham gia các hội nhóm cộng đồng, rồi các nhóm "VIP" để có nhiều đặc quyền, được "phím" cổ phiếu tốt, được biết trước thông tin mật.
Thường những nhà đầu tư không có kinh nghiệm rất dễ sập bẫy, tham gia tiếp tay cùng các nhóm này "thổi giá" cổ phiếu. Nếu trước đây, một số lãnh đạo công ty niêm yết đứng ra hô hào, kêu gọi nhà đầu tư thì nay họ đã cho người khác lập tài khoản ảo trên mạng xã hội, ẩn danh, núp bóng để làm điều này. Do vậy, nhà đầu tư hạn chế tham gia các hội, nhóm chưa được kiểm chứng để tránh sập bẫy "lùa gà" của các “đội lái".
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia vào các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có. Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nên tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng thông tin dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.
Chưa hết, lực lượng công an đã đưa ra lời khuyên đối với người dân và nhà đầu tư, tuyệt đối không nghe và làm theo lời dụ dỗ về đầu tư tài chính trên không gian mạng sẽ đem lại lợi nhuận cao, nhất là khi bản thân không có kiến thức về chứng khoán. Tuyệt đối không tham gia vào các Group chat, không đầu tư vào các Website, App khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị chủ quản.
Cần tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là các nguồn thông tin chính thống như: Trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; các trang thông tin điện tử về tài chính, ngân hàng… Nếu có nhu cầu đầu tư, người dân có thể lựa chọn các nền tảng giao dịch chứng khoán được Nhà nước cấp phép hoạt động…
Trường hợp nghi vấn các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân và nhà đầu tư cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời...