Khi cây xanh… bổng gốc
Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) quét qua Hà Nội, hàng nghìn cây xanh đã bị bật gốc đổ xuống đường gây cản trở giao thông, thậm chí gây thương vong cho người đi đường. Dĩ nhiên, bão số 3 khi quét qua Thủ đô gió mạnh cấp 10 giật cấp 12 thì việc hàng loạt cây xanh bị gãy, đổ là điều không thể tránh khỏi. Song, việc hàng loạt cây xanh trồng trên các tuyến phố mới bật gốc đã cho thấy nhiều vấn đề cần được quan tâm…
Dĩ nhiên, đã là thiên tai thì không tránh được, chỉ có thể tích cực phòng ngừa để giảm thiểu tối đa tác hại do nó gây ra. Đó là lý do mà mỗi khi có thông tin bão, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều rốt ráo vào cuộc để chuẩn bị các phương án đối phó, tránh để lại hậu quả đáng tiếc. Song, có những việc mà khi bão tới mới chuẩn bị đối phó, phòng ngừa thì đã quá trễ, chẳng hạn như các cây xanh đô thị.
Nói như thế hoàn toàn có cơ sở, bởi nếu như các nhà quản lý không lường trước vấn đề, không có phương án tỉa cành, gia cố gốc, cắt bỏ những cành bị sâu đục ruỗng... thì khi có mưa bão chắc chắn sẽ bị gãy, đổ gây thiệt hại về người và tài sản. Đó là còn chưa kể phương pháp trồng cây xanh, chọn loại cây gì để trồng trong đô thị cũng là một vấn đề quan trọng cần được xem xét kỹ lưỡng khi triển khai dự án trồng cây xanh đô thị.
Không phải tới bây giờ, khi mà hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội bị bật gốc đổ rạp do ảnh hưởng của cơ bão số 3, vấn đề này mới được đặt ra. Trong những năm qua, cứ mỗi trận mưa to kèm theo gió giật là không ít người dân cư trú ở Hà Nội lại lo ngay ngáy mỗi khi có việc phải ra đường. Chẳng phải thực tế đã có không ít người bỗng nhiên “gặp hạn” “từ trên trời rơi xuống”, bị cây xanh đổ vào người, phương tiện gây tử vong đó sao?
Vậy thì việc hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, ngoài nguyên nhân thiên tai do mưa bão, liệu còn có nguyên nhân từ chủ quan của con người?
Muốn có câu trả lời thì cần có sự phân tích tỉ mỉ từ các chuyên gia lâm nghiệp về các dự án công viên cây xanh của Hà Nội. Từ việc chọn loại cây gì để trồng trên đường phố, kích cỡ khi trồng là bao nhiêu, cho tới phương pháp trồng cây như nào cho phù hợp với địa hình, địa thế khu vực đô thị...
Phần nhiều cây xanh ngã đổ trong cơn bão số 3 vừa qua và trong một số cơn mưa to trước đó đều là những cây mới được trồng trong những năm gần đây. Dĩ nhiên là phải có mưa to, gió lớn thì cây mới đổ, song hàng nghìn cây bật gốc thì quả là điều cần phải xem xét. Quan sát thực tế cho thấy rất nhiều những cây xanh bị bật gốc có bộ rễ rất yếu, đã không có rễ cái (rễ cọc) thì chớ, nhiều chỗ lổn nhổn gạch đá rất ít đất để bám rễ. Ngoài ra, nhiều cây khi bão đánh bật gốc mới lộ ra vẫn còn nguyên bao bọc nilon.
Nhiều cây xanh được trồng trong thời gian qua đã khá to (có cây dường kính trên 15cm), do vậy rễ cái đã bị người ta cưa đi để vừa dễ dàng trong vận chuyển, vừa đơn giản hơn khi trồng xuống đất. Xét về mặt lý thuyết, trồng cây xanh đô thị cần loại cây có rễ cọc to khỏe, cắm sâu xuống đất để giữ trụ trước sự lay động của gió bão. Ấy vậy mà lại cưa rễ cọc đi để tiện vận chuyển, tiện khi trồng thì làm sao nó không ngã đổ?
Đó là chưa kể, theo chuyên gia lâm nghiệp, các đô thị như Hà Nội bị bê tông hóa quá cao, nơi trồng cây chỉ là “các hố bê tông” nên chất dinh dưỡng dành cho cây phát triển rất ít, bộ rễ sẽ yếu không thể bám chắc trong đất. Bộ rễ yếu do mới chỉ phát triển những rễ nhỏ theo chiều ngang, chưa kịp phát triển rễ cái cắm sâu vào đất, trong khi phía trên cành lá lại sum suê dẫn đến nặng đầu, nhẹ gốc làm sao cây có thể không đổ?
Nếu mọi người để ý sẽ thấy phần lớn cây cổ thụ trồng lâu năm tại Hà Nội rất khó bị bật gốc trong các trận mưa bão trung bình, bởi rễ cái của nó đã cắm rất sâu vào trong lòng đất một cách vững chắc. Những loại cây này chỉ bị gãy cành nếu gió giật mạnh, hoặc do bị sâu đục ruỗng chứ không hề bị đổ khi trời mưa bão. Trong khi những cây mới trồng lại thi nhau ngã rạp, bật trơ gốc dù gió không lớn. Từ đó có thể thấy nguyên nhân bật gốc hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội không chỉ do thiên tai, mà do cả nguyên nhân chủ quan của con người.
Sau cơn bão số 3 này, liệu đã đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra lại một số dự án trồng mới cây xanh ở Hà Nội trong thời gian gần đây?