Sức khỏe

Chủ động ứng phó dịch bệnh sau mưa bão

Đức Trân 09/09/2024 08:35

Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) qua đi, nguy cơ về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, dịch bệnh sau bão là điều cần đặc biệt quan tâm.

bai chinh
Ngập lụt sau bão số 3 tại tỉnh Bắc Giang là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Miền.

Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường nước

Bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho các địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, tiếp đó là các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang…

Một nguy cơ khác sau bão đã được ghi nhận tại những vùng bị thiên tai lũ lụt là nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ làm ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.

Do đó, khi triển khai công tác phòng chống bão số 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã yêu cầu trong quá trình ứng phó với cơn bão cần lưu ý xử lý các tình huống tai nạn ban đầu, đảm bảo nguồn thực phẩm, nước sạch và xử lý môi trường, phòng chống dịch. Sau khi cơn bão đi qua cần tiếp tục điều trị cho các trường hợp chưa ra viện, xử lý vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, nước nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các bệnh dễ mắc phải như bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông…), các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, thương hàn), các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột), bệnh phụ khoa do tắm nước bẩn…

Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

Phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ

Thời tiết mưa nhiều, độ ẩm gia tăng, nhiệt độ thay đổi thất thường còn khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến dễ bị cảm lạnh, cúm, viêm họng, ho, sổ mũi, nhức đầu… Trẻ em, người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn là nhóm phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh hô hấp.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, vấn nạn muỗi truyền bệnh phát triển sau mưa bão sẽ gia tăng cấp độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Dù bão đã đi qua, thế nhưng với hoàn lưu rộng, nhiều địa phương được dự báo vẫn sẽ còn tình trạng mưa nhiều. Trong bối cảnh này, lương thực, thực phẩm có nguy cơ dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như Vibrio cholerae gây bệnh tả; Salmonella gây thương hàn; Shigella gây lỵ trực trùng; Bacillus anthracis gây bệnh than hay bệnh tiêu chảy do virus (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E...

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh sau mưa bão, Bộ Y tế đã yêu cầu sau khi có bão, lũ xảy ra, ngành y tế các địa phương cần hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thu gom, xử lý chất thải y tế, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đảm bảo nồng độ Clo dư theo quy định; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình; kiểm tra giám sát việc thu gom, xử lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, người dân chủ động tiêm vaccine để phòng tránh nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đảm bảo lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, luôn “ăn chín, uống sôi”. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Tiêu diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

Việc thu gom, chôn lấp và khử trùng xác động vật theo đúng quy trình an toàn làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tránh làm phát sinh các mầm bệnh lây truyền cho con người. Thu gom, phân loại và xử lý rác đúng quy trình. Dọn sạch bùn, đất, rác thải tràn ngập ngay sau khi nước rút. Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang bụi rậm, quét dọn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng sẽ làm mất chỗ trú ẩn, sinh sôi của các côn trùng truyền bệnh. Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại, không đưa vật nuôi ốm, chết và các chất thải của chúng ra môi trường khi chưa xử lý.

Cách xử lý nguồn nước sau bão lụt

Đối với giếng khơi: Tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Thau rửa giếng: Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng. Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.

Bước 2: Biện pháp làm trong nước: Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3. Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu. Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.

Bước 3: Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10 - 20gam Chloramine B tương đương 1 đến 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước). Múc một gàu nước. Hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất. sau đó, thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.

Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới đảm bảo.

Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước (để phải đảm bảo lượng Clo dư: 0,3 - 0,5mg/lít). Nếu lỡ cho quá nhiều choloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi clo mới sử dụng.

Lưu ý, không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn. Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Đối với giếng khoan: Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan. Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan. Khơi thông cống rãnh quanh giếng. Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.

M.K

Đức Trân