Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp: Còn không ít rào cản
Ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ hướng tới những cánh đồng “không dấu chân” trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng đang được các địa phương triển khai. Mô mình này đem lại hiệu quả rất lớn nhưng việc triển khai “số hóa” vẫn còn là một hành trình dài với không ít thách thức...
Cơ giới hóa “về làng”
Nhận thấy giá trị của việc ứng dụng cơ giới hóa đem lại lợi ích lớn trong sản xuất nông nghiệp, mới đây Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang và UBND xã Nghĩa Hòa triển khai mô hình sản xuất giống lúa mới năng suất cao ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ tại huyện Lạng Giang.
Đặc biệt, để giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu: Làm đất, mạ khay - máy cấy (trình diễn mạ khay và cấy máy trên diện tích 2ha, với 25 hộ tham gia tại thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa); phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp…
Trong đó, chuyển giao 2 khâu mới là mạ khay – máy cấy và công nghệ máy bay không người lái được định vị bằng thiết bị Drone.
Theo tính toán, 1 máy cấy 4 hàng có thể cấy được 1ha/ngày, tương đương với 30 người cấy tay. Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, so với phun thủ công là 35 nghìn đồng/sào. Không những vậy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí sử dụng trên đồng ruộng, góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới nền nông nghiệp an toàn và bền vững.
Tương tự, nhằm giảm bớt sức lao động của nông dân, Hợp tác xã (HTX) Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Tổng công ty Sông Gianh triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp “không dấu chân”. Mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đánh giá với việc triển khai cánh đồng “không dấu chân” đã góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, thời gian gieo sạ chỉ trong một ngày, lượng giống gieo giảm chỉ còn 3 - 4 kg/sào, mật độ gieo đảm bảo, giảm chi phí nhân công dặm tỉa, bón phân, bơm thuốc.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp giờ không còn là điều mới mẻ mà đã trở thành mô hình phổ biến được áp dụng tại các địa phương trong cả nước.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả khả quan.
Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, làm chủ đồng ruộng, từ đó tạo ra cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Ứng dụng công nghệ còn hạn chế
Hiệu quả đem lại từ việc triển khai cơ giới hóa trong nông nghiệp là rất lớn song theo đánh giá của ngành chức năng cũng như của các địa phương việc triển khai số hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp không ít rào cản, thách thức.
Trong đó nổi lên là trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp. Chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm hỗ trợ cho các HTX và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc.
Chưa kể hiện nay việc sản xuất nông nghiệp vẫn theo hướng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân...
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.
Bên cạnh yếu tố tích cực ông Toản cũng thừa nhận, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp từ trung ương đến địa phương cũng đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức.
Đó là nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số còn hạn chế; sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) kinh doanh nông nghiệp, DN công nghệ, HTX, người nông dân còn chưa chặt chẽ…
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, muốn lan tỏa sóng chuyển đổi số đến nông dân, trước hết cán bộ ngành nông nghiệp phải thay đổi, phải chứng minh được lợi ích của việc làm này với nông dân.
Theo ông Thủy, quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại không đơn giản, nhưng không phải là không làm được nếu có sự vào cuộc tích cực, thực chất của các bên, đặc biệt là người làm công tác khuyến nông cơ sở và DN.