Kinh tế

Quảng Nam giải ngân đầu tư công chậm do đâu?

Tấn Thành - Chí Đại 09/09/2024 13:54

Sáng 9/9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có báo cáo số 182/BC - UBND về tình hình giải ngân vốn đầu tư công kỳ tháng 8/2024.

DAU TU 1
Đường ĐH2.PS, từ xã Phước Thành đi xã Phước Lộc thi công dang dở.

Theo báo cáo này, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được UBND tỉnh giao là hơn 6.900 tỷ đồng, tăng 386 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm 2023, đồng thời thực hiện chuyển nguồn sang năm 2024 đối với nguồn ngân sách trung ương khen thưởng vượt thu năm 2022 là 150 tỷ đồng.

Như vậy tổng vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 8.884 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 7.056 tỷ đồng (ngân sách trung ương hơn 2.194 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 4.861 tỷ đồng); kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là hơn 1.827 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương là hơn 6.607 tỷ đồng, đạt 94%.

Phân bổ như vậy, tuy nhiên theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh tại báo cáo số 395/BC-KBQN ngày 5/8/2024, tính đến hết ngày 30/6/2024, vốn đầu công năm 2024 (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) giải ngân hơn 2.639 tỷ đồng, đạt 29,7% so tổng vốn đầu tư công năm 2024 sau điều chỉnh. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 giải ngân hơn 2.038 tỷ đồng, đạt 28,9%; kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài giải ngân hơn 600 tỷ đồng, đạt 32,9%.

“Nguyên nhân kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chưa đạt yêu cầu là do đặc thù tỉnh Quảng Nam có nhiều huyện miền núi, điều kiện thời tiết phức tạp, mưa kéo dài, nguy cơ sạt lở đất rất cao nên việc triển khai thi công bị gián đoạn. Công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư còn chậm, kéo dài, do nhiều nguyên nhân như sau: việc xác nhận nguồn gốc đất gặp khó khăn; đơn giá bồi thường tại một số khu vực chưa sát với thực tế; người dân yêu cầu chủ đầu tư bồi thường quá cao so với mặt bằng chung (bao gồm đơn giá và số lô tái định cư); lực lượng làm công tác giải phóng mặt bằng hạn chế, kinh phí cho hoạt động thấp, tính chất công việc khó khăn, phức tạp; một số địa bàn trọng điểm không đủ cán bộ địa chính…”, trích báo cáo số 182/BC - UBND.

Cạnh đó, đối với các dự án sử dụng ngân sách Trung ương chuyển tiếp phải hoàn thành năm kế hoạch (năm 2024), theo quy định phải bố trí đủ vốn cho dự án từ đầu năm. Dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp các dự án này gặp khó khăn vướng mắc, có tỉ lệ giải ngân thấp vẫn khó thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2024 để chuyển sang các dự án khác có tỉ lệ giải ngân tốt...

Còn nữa, hầu hết các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế đang triển khai rất chậm, khó khăn liên quan đến công tác thẩm định giá thiết bị y tế. Một số dự án đã hoàn thành công tác xây lắp nhưng phần thiết bị y tế đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác thẩm định giá dẫn đến chậm bàn giao đưa vào sử dụng.

Đối với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, số danh mục công trình đầu tư của 3 chương trình nhiều, áp lực cho cơ quan thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu, quyết toán vốn đầu tư và địa bàn triển khai không thuận lợi.

Sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; một số thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chưa sâu sát cơ sở; cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả; chất lượng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững.

Tấn Thành - Chí Đại