Mỗi địa phương một dấu ấn
Với tiềm năng dồi dào về ẩm thực, nhiều địa phương đã chú trọng phát triển, quy hoạch và xây dựng "bản đồ ẩm thực" để thu hút du khách.
Hà Nội, với sự phong phú và tinh tế trong ẩm thực được đúc rút từ văn hóa hàng nghìn năm, là một điểm đến ẩm thực hấp dẫn. Các món ăn nổi tiếng như phở Lý Quốc Sư, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì... đã trở thành biểu tượng của ẩm thực Hà Nội. Những tuyến phố ẩm thực như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân cũng là điểm đến quen thuộc của du khách. Hà Nội được nhiều trang báo và trang du lịch nổi tiếng thế giới xếp vào danh sách những thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất. Thành phố đang hướng tới việc khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch đến năm 2030.
TPHCM - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, luôn coi ẩm thực là sản phẩm chiến lược để thu hút du khách. Trong nhiều năm qua, ẩm thực đường phố đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống của thành phố. Những món ăn như cơm tấm sườn bì chả, bánh mì Sài Gòn, hủ tiếu gõ... đã trở thành biểu tượng ẩm thực của TPHCM. Các công ty du lịch cũng thiết kế nhiều chương trình du lịch giúp du khách trải nghiệm ẩm thực đường phố một cách gần gũi và thực chất nhất.
Hải Phòng trong những năm gần đây cũng đã thành công trong việc phát triển du lịch ẩm thực với sản phẩm "foodtour" đặc biệt, nhờ việc xây dựng bản đồ số về ẩm thực.
Theo ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour, để phát triển du lịch ẩm thực thì việc quy hoạch các khu vực ẩm thực, tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp đến du khách là hết sức quan trọng. Thêm vào đó việc số hóa các hình thức quảng bá du lịch ẩm thực thông qua các kênh truyền thông hiện đại như mạng xã hội và ứng dụng di động cũng sẽ giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận và giới thiệu đặc sản của mình đến với du khách toàn cầu.
Trên thực tế, hiện Thừa Thiên Huế đang khá nổi bật với việc xây dựng thương hiệu để trở thành kinh đô ẩm thực, nâng cao hình ảnh ẩm thực Huế trong khu vực và trên thế giới. Thời điểm này Huế đang phát triển các sáng kiến mới như dự án "Một Food ở Huế". Đây là dự án quảng bá ẩm thực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Dự án này đã xây dựng đại sứ AI - O Thực - chatbot chuyên biệt về ẩm thực đầu tiên tại Việt Nam. O Thực không chỉ giúp giải đáp thắc mắc về ẩm thực, văn hóa, du lịch Huế mà còn cung cấp thông tin cá nhân hóa cho du khách.
Tuy nhiên, để khai thác ẩm thực cho phát triển du lịch, hướng tới sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên cả nước vẫn đang là điều khó khăn. Đánh giá vấn đề trên, PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Việc phát huy sức mạnh ẩm thực hiện đang bị cạnh tranh dữ dội, như Thái Lan được mệnh danh là “bếp ăn của thế giới”. Rome (Ý) cũng được ví như thiên đường ẩm thực... Vì vậy, các địa phương cần rất nỗ lực để phát huy thế mạnh của mình. Ở đâu muốn phát triển du lịch thì ở đó phải có sự quan tâm của chính quyền địa phương, và ẩm thực cũng thế. Khi có chủ trương chính sách thì mới có sự đồng hành của doanh nghiệp và các bên liên quan khác” - ông Long chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh, song song với đó, cần tổ chức thường xuyên các lễ hội về ẩm thực để thu hút du khách tìm đến các địa phương, từ đó nâng tầm ẩm thực cho điểm đến.
Theo Cục Du lịch quốc gia nhận định, nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc, nơi đó sẽ để lại dấu ấn tốt với du khách, giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. Chính vì thế để phát triển du lịch ẩm thực một cách đồng đều trên cả nước, mỗi địa phương cần lựa chọn các món ăn tiêu biểu để phát triển và xây dựng thương hiệu gắn liền với phát triển du lịch tại khu vực đó.
Ngoài ra, cần xây dựng tour du lịch ẩm thực (food tour), kết hợp với du lịch nông nghiệp, khám phá đặc sản địa phương, hay xây dựng các khu ẩm thực đường phố và chợ ẩm thực đêm tại các điểm du lịch là những sáng kiến cần được thúc đẩy. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hợp tác với các nhà hàng, nghệ nhân ẩm thực. Bên cạnh đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch ẩm thực và sử dụng hình ảnh ẩm thực trong các chiến dịch quảng bá du lịch.
Mặt khác, để tận dụng lợi thế của ẩm thực, ngành du lịch cũng cần có một kế hoạch cụ thể và dài hạn để đồng hành cùng phát triển. Du lịch cũng sẽ là một "phương thức hữu ích" để quảng bá và đưa những món ăn mang đậm bản sắc Việt Nam trở thành biểu tượng ẩm thực quốc gia, giống như cách mà Sushi của Nhật Bản, Kimchi của Hàn Quốc hay Pizza của Ý đã trở thành thương hiệu toàn cầu.
Nhìn trên một bức tranh tổng thể, ẩm thực Việt Nam không hề thua kém bất cứ nền ẩm thực nào trên thế giới. Vì thế để khai thác hết tiềm năng của ẩm thực hướng tới phát triển du lịch, thời gian tới cần có một chiến lược phát triển cụ thể, bao gồm quy hoạch các khu vực ẩm thực, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, và đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh truyền thông hiện đại. Sự khác biệt và độc đáo của mỗi địa phương sẽ là chìa khóa thu hút du khách và đưa ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới trên bản đồ du lịch thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh - Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam): Coi ẩm thực chính là văn hóa
Ẩm thực là thế mạnh góp phần phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Và ẩm thực Việt Nam đã chứng minh sức hấp dẫn và lan tỏa giá trị trên toàn cầu với nhiều món ăn được công nhận, được trao nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế uy tín.
Vậy nên, để biến ẩm thực trở thành một thế mạnh thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch, cần phải coi ẩm thực chính là văn hóa để lồng ghép vào phát triển du lịch. Nếu tách rời ẩm thực và văn hóa hoặc chưa chú trọng đến sự phát triển của ẩm thực là một thiếu sót. Khi chúng ta biết kết hợp ẩm thực và văn hóa thì khi đó sản phẩm du lịch ẩm thực mới có giá trị và mới tạo được điểm nhấn. Chúng ta cần có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia nếu muốn quảng bá về ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ, khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực với các nước.
Còn đối với các địa phương, hiện các sản phẩm du lịch ẩm thực hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách và chủ yếu ở các thành phố lớn, đa phần các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên du khách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm. Vì vậy để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch thì mỗi địa phương cần phải tìm ra được điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như các món ăn.
Ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á: Cần có quy hoạch về ẩm thực vùng miền
Văn hóa ẩm thực là một trong những sức hút vô cùng lớn đối với du lịch Việt Nam. Tuy nhiên các địa phương còn đang lúng túng trong việc phát huy ẩm thực địa phương. Hàng quán nổi tiếng ở tỉnh nào cũng có nhưng để trở thành một món ăn phổ biến và nổi tiếng trên thế giới thì hiện nay chúng ta vẫn chưa có động thái để thúc đẩy. Đây là một trong những vấn đề rất khó khi muốn phát triển về ẩm thực, chọn ẩm thực để thu hút khách du lịch. Vì vậy cần có quy hoạch về ẩm thực vùng miền. Các địa phương sẽ chọn thúc đẩy quảng bá cho thị phần nào. Mạnh về khách nội địa hay khách nước ngoài. Khi đó cần tập trung vào những món ăn có chứng nhận về ẩm thực. Món ăn đó được địa phương công nhận là đặc sản. Cùng với đó, họ phải kể được câu chuyện về món ăn đó.
Cũng cần lưu ý rằng, đối với các điểm du lịch càng nổi tiếng, đặc biệt những địa điểm thu hút du khách quốc tế thì cần phải rà soát chặt, phải đạt được những chứng chỉ về vệ sinh thực phẩm và phục vụ thì mới được đưa vào để phục vụ du khách. Ngoài nhà hàng, khách sạn, việc buôn bán hàng rong cũng phải được rà soát, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm khi có vi phạm xảy ra. Việt Nam được coi là bếp ăn của thế giới, nếu quảng bá đồ ăn mà thiếu phương thức quản lý về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có kịch bản để xử lý khi xảy ra những rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ tạo ra hậu quả rất lớn.