Hà Nội huy động hàng nghìn chiến sĩ khắc phục hậu quả sau bão số 3
Sau trận bão số 3, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và gãy cành ra đường ảnh đến việc lưu thông của người dân. Do đó, Hà Nội đã huy động hàng nghìn chiến sĩ, các đơn vị cùng nhau dọn dẹp, khắc phục sau bão.
Hơn 25.000 cây xanh bị đổ gãy
Theo báo cáo tính đến tối 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm,… Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Để nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão, Trung tướng Nguyễn Hải Trung Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo Công an cấp huyện chỉ đạo Công an xã, phường thị trấn tham mưu cấp ủy, chính quyền, địa phương rà soát, kiểm tra huy động các lực lượng nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Trước mắt giải quyết tình trạng cây đổ, bật gốc, gãy cành, ngập úng trên các tuyến đường... để phục vụ người dân, lực lượng chức năng đi lại thông suốt, an toàn.
Chiều 8/9, các đơn vị Công an thành phố đã phối hợp các lực lượng chức năng dọn dẹp hiện trường cơn bão số 3 để lại, bảo đảm an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Để khắc phục những hậu quả do bão gây ra lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố và Công an quận, huyện, thị xã đã kịp thời điều động gần 300 lượt phương tiện cùng gần 2.000 lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, người dân địa phương tổ chức cứu nạn, cứu hộ 172 vụ cây đổ, bật gốc, gãy cành, nhà tốc mái... Qua đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tương tự, theo báo cáo Sở GTVT Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, trên địa bàn TP đã xảy ra 194 sự cố về đường bộ trong bão Yagi. Trong 194 sự cố về đường bộ, chủ yếu là sự cố cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, biển báo gãy đổ, xô lệch trụ mũi tên phản quang, ổ gà, hố sụt, ngập nước...
Để đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống hạ tầng giao thông, Ban Duy tu đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý, bảo trì cho khắc phục ngay để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại.
Đối với sự cố ngập nước đã chỉ đạo các nhà thầu quản lý đường bộ cắm biển cảnh báo tại những vị trí ngập sâu và phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn phân luồng cho người dân.
Bố trí người thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đôn đốc nhà thầu quản lý đường bộ tổng hợp, đánh giá các thiệt hại về tài sản trên các tuyến đường, có biện pháp khắc phục triệt để.
Huy động công nhân khơi thông cửa xả, cửa thu, đánh rãnh ngang để nước sớm thoát tại các vị trí bị ngập. Chủ động thông báo các điểm úng ngập do Sở xây dựng quản lý để có biện pháp khơi thông dòng chảy, giải quyết những vị trí úng ngập cục bộ trên các tuyến đường.
Phối hợp với các đơn vị chức năng (cây xanh, thoát nước, chiếu sáng,...) xử lý và thu dọn các chướng ngại vật trên mặt đường, hè để đảm bảo an toàn giao thông.
Huy động 100% quân số đi khắc phục
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 9/9, ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết, Ban đã thành lập Ban Chỉ huy đảm bảo an toàn giao thông trong công tác phòng chống thiên tai với tổng số 58 người. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy là xây dựng phương án phòng chống thiên tai; chỉ đạo các nhà thầu tổ chức, triển khai kịp thời những phương án đảm bảo an toàn giao thông; tổng hợp, báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến hạ tầng giao thông và thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai của Sở GTVT".
"Các nhà thầu quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, trực cảnh giới đường ngang giao cắt với đường sắt với tổng số 350 người được huy động cùng hàng trăm phương tiện.
Nhiệm vụ chính là phối hợp với các đơn vị liên quan (quản lý cây xanh, chiếu sáng, thoát nước,...) để xử lý sự cố về hạ tầng giao thông đường bộ; đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên các tuyến đường được giao quản lý", ông Hùng cho hay.
Đội Cảnh sát GT-TT Công an quận Hà Đông cho biết: "Chúng tôi huy động 100% quân số cùng phương tiện tiến hành phối hợp với các cơ quan có liên quan phân luồng hướng dẫn người dân đi lại. Đồng thời khẩn trương dọn dẹp cây xanh ngã đổ ra đường làm cản trở giao thông".
Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3 cho biết, thực hiện phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ứng phó cơn bão số 3, đơn vị đã chủ động phương án theo phương châm "4 tại chỗ".
"Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, áo mưa, ủng, cưa máy, đèn pin, dây thừng, barie, loa pin, biển cảnh báo, xe cầu kéo để cứu hộ, cứu nạn... sẵn sàng huy động vào các tình huống đột xuất", Trung tá Đặng Hồng Giang thông tin thêm.