Tinh hoa Việt

Chân dung 3 người phụ nữ quyền lực

PHAN QUANG VŨ 10/09/2024 14:45

Ở thời điểm này, đường đua vào Nhà trắng giữa cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump (ứng cử viên đảng Cộng hòa) và đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris (ứng cử viên đảng Dân chủ) đang hết sức sôi động và chỉ ngã ngũ vào ngày 5/11/2024 sau khi cuộc bầu cử kết thúc. Dù thế thì hiện bà Harris vẫn được coi là người phụ nữ lãnh đạo đầy quyền lực, cùng với bà Ursula Von der Leyen - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) và tân Tổng thống đắc cử Mexico, bà Claudia Sheinbaum.

anh-1(1).jpg
Người dân mang biểu ngữ ủng hộ bà Kamala Harris tại sự kiện vận động tranh cử ở San Francisco (Mỹ), tháng 8/2024.

Kamala Harris - người phá vỡ mọi rào cản

Ngày 6/8, bà Harris chính thức giành đa số phiếu ủng hộ của các đại biểu trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến của đảng Dân chủ nhằm chọn ứng viên đại diện ra tranh cử Tổng thống.

Bà Kamala Devi Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland (California, Mỹ). Bà Harris có mẹ là người nhập cư từ Ấn Độ và cha là người Jamaica. Bà đã có nhiều năm làm công tố viên ở Bay Area trước khi được thăng chức làm Tổng chưởng lý tiểu bang vào năm 2010 và sau đó được bầu làm Thượng nghị sĩ Mỹ vào năm 2016.

4 năm trước, bà Harris là người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên trúng cử chức Phó Tổng thống Mỹ. Vào thời điểm đó, truyền thông Mỹ đã gọi bà với cái tên "người phá vỡ mọi rào cản".

Trong nhiều năm, bà Harris đã phải đối mặt với những lời chỉ trích cho rằng bà không đủ khả năng để trở thành Phó Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây, bà được đảng Dân chủ coi là hy vọng sáng nhất để ngăn chặn sự trở lại của cựu Tổng thống Donald Trump. “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đoàn kết đảng Dân chủ, đoàn kết quốc gia của chúng ta, để đánh bại ông Donald Trump” - bà Haris tuyên bố ngay khi chính thức trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Và nếu thắng cử, bà Haris thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Là con gái trong một gia đình nhập cư (mẹ là người gốc Ấn Độ và cha là người Jamaica), từ 5 tuổi bà Harris đã sống với mẹ do cha mẹ ly hôn. Shyamala Gopalan Harris - mẹ của bà Harris là một nhà nghiên cứu về ung thư và nhà hoạt động dân quyền.

Về học vấn, bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard, Đại học California và trường luật Hastings. Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Biện lý quận Alameda, trước khi được tuyển vào Văn phòng Luật sư quận San Francisco và sau đó là Văn phòng Luật sư thành phố San Francisco. 7 năm sau, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California, trở thành Tổng chưởng lý da màu đầu tiên của California và là người phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Mỹ và sau đó trở thành Phó Tổng thống.

Giới quan sát chính trường nhận định rằng nếu giành chiến thắng “trong cuộc chiến” với đối thủ Donal Trump dày dạn kinh nghiệm thì bà Harris sẽ phá vỡ một trong những rào cản lớn nhất còn lại đối với phụ nữ Mỹ - đó là giữ chức vụ cao nhất của đất nước. Và chồng bà, ông Douglas Emhoff, cũng sẽ là người đầu tiên trở thành “Đệ nhất Phu quân” đầu tiên của nước Mỹ.

Thời gian qua, cuộc sống gia đình riêng tư của bà Harris được truyền thông Mỹ ca ngợi. Bà có em gái là Maya Harris. Họ lớn lên tại California trong một khu vực có lượng lớn người Mỹ gốc Phi. Ngày 22/8/2014, bà Harris kết hôn với luật sư Doug Emhoff khi ông đang hành nghề luật ở Los Angeles và bà đang giữ chức Tổng chưởng lý California.

Trước khi “về một nhà”, ông Emhoff có hai người con riêng là Cole và Ella. Vào năm 2019, bà Harris trong một bài viết trên tạp chí Elle đã mô tả hai con riêng của chồng là “nguồn tình yêu vô tận và niềm vui thuần khiết” của mình. Nếu ở ngoài, bà Harris được gọi là “quý bà Phó Tổng thống” thì đối với hai con bà thích được gọi đơn giản là “Momala”, thay vì từ “mẹ kế”. Bà Harris cũng có quan hệ tốt với Kerstin - vợ cũ của ông Emhoff và hai người đã trở thành bạn.

Trong hai người con riêng của ông Emhoff thì Ella Emhoff là người có tiếng trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật. Hồi tháng 1/2021, Ella đã ký hợp đồng với công ty người mẫu quốc tế IMG Models. Cô cũng đang kinh doanh thời trang qua trang web riêng của mình. Còn người con trai, Cole Emhoff, kín tiếng hơn tuy cũng làm việc trong lĩnh vực giải trí.

Truyền thông Mỹ nhận xét cặp vợ chồng Emhoff - Harris đưa đến hình ảnh rất mới về một gia đình Mỹ của thế kỷ 21. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Douglas Emhoff cho biết ông đã trúng “tiếng sét ái tình” ngay lần đầu gặp gỡ vợ tương lai. “Khoảnh khắc gặp Kamala, tôi biết rằng mình đã yêu. Không chỉ bởi Kamala là người phụ nữ ấm áp, vui tính, nhân hậu, mà còn bởi cô ấy quyết tâm chiến đấu vì những điều mà cô ấy tin tưởng” - ông Emhoff nói.

Sau khi bà Harris chấp nhận tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Emhoff đã nghỉ việc và cùng vợ đi vận động tranh cử. “Tôi nhận thấy rằng khi tôi bắt đầu bước chân vào thế giới của Kamala, tôi càng thấy gần gũi vợ mình hơn. Tôi nhận thấy rằng Kamala đã nỗ lực như thế nào, cô ấy chịu áp lực như thế nào. Tôi cảm thấy mình càng hiểu và ngưỡng mộ cô ấy hơn” - ông Emhoff hãnh diện nói.

anh-2(1).jpg
Bà Ursula Von der Leyen được bầu làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ thứ hai tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) vào ngày 18/7/2024.

Ursula Von der Leyen - nữ tướng châu Âu

Ngày 18/7, bà Ursula Von der Leyen tái đắc cử vị trí Chủ tịch EC nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm.

Báo Người bảo vệ của Anh khi đó mô tả, bà Ursula Von der Leyen đã tái đắc cử chức Chủ tịch EC với một chiến thắng vang dội tại Nghị viện châu Âu. Hội trường Strasbourg vang lên những tràng pháo tay khi biết rõ rằng bà Ursula, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo cơ quan điều hành Liên minh châu Âu, đã giành được số phiếu vượt trên mức cần thiết để tái đắc cử - một kết quả mạnh mẽ hơn cuộc bầu cử đầu tiên mà bà đắc cử vào năm 2019.

Phát biểu tại phòng họp ở Strasbourg, bà Ursula kêu gọi “tất cả các lực lượng dân chủ trong Nghị viện châu Âu” ủng hộ bà và công bố một loạt ưu tiên cho nhiệm kỳ thứ hai của mình. “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận rằng những kẻ mị dân và những kẻ cực đoan đang phá hủy lối sống châu Âu của chúng ta” - bà nói.

Bà Ursula đã trình ra trước EC bản cam kết dài 31 trang về việc triển khai các dự án trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Giới quan sát chính trị Âu - Mỹ cho rằng điều đó cho thấy tầm nhìn của bà Ursula về chính sách lợi ích đối với châu Âu, quan hệ với nước Mỹ cũng như chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, giới phân tích cũng cho rằng con đường phía trước của “nữ tướng châu Âu” là không hề bằng phẳng và “bà sẽ phải bước đi trên một con đường có gai thay vì những cánh hoa hồng”. Báo Mỹ Politico nhận xét, những gì bà Ursula Von der Layen đã đạt được ở nhiệm kỳ trước đã đem đến cho bà uy tín thắng cử ở nhiệm kỳ hai, nhưng không đủ để bà có thể tiếp tục thành công “vì thời thế bây giờ đã khác trước rất nhiều”.

Còn theo Marco Valbruzzi - nhà khoa học chính trị tại Đại học Naples Federico II, việc tiếp tục trong vai trò Chủ tịch EC đã đặt bà Ursula vào ngã ba đường, nơi bà phải đưa ra lựa chọn mang tính quyết định cho tương lai chính trị của chính mình, đặc biệt khi phải đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tiến sĩ Marco cũng cho rằng, một người phụ nữ làm chính trị luôn được coi là ngoại lệ hơn là quy tắc, cho dù bà Ursula đã thay đổi được điều đó.

Được gọi là “nữ tướng EU”, bà Ursula là con gái của một chính khách Đức, kết hôn và làm mẹ của 7 người con (5 gái, 2 trai). Việc nhà bận rộn nhưng bà vẫn là một chính trị gia thành công.

Cha của bà là ông Ernst Albrecht - từng là ứng viên cho chức vụ Thủ tướng Đức và khi sinh thời là thành viên của Ủy ban châu Âu với tư cách là ủy viên. Năm 1953, ông Ernst Albrecht kết hôn với bà Heidi Adele Stromeyer. Đến cuối những năm 50 ông chuyển đến Brussels (Bỉ) để trở thành một trong những quan chức đầu tiên của Ủy ban châu Âu được thành lập vào năm 1958. Chính tại Bỉ, vào năm 1958, Ursula - con gái của chính trị gia đã ra đời. Khi cô gái 13 tuổi, gia đình trở về Đức.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Ursula theo học ngành khảo cổ, sau đó là ngành kinh tế học tại Đại học Gottingen và Trường Kinh tế - Khoa học chính trị London.

Sau khi kết hôn với Heiko Von der Leyen (giáo sư Y khoa đồng thời là một doanh nhân) và sinh đứa con đầu lòng, bà Ursula quyết định theo một nghề mới và đăng ký vào Trường Y khoa Hannover, sau đó làm tại Bệnh viện Đại học Hannover. Năm 1991, bà bảo vệ luận án và trở thành bác sĩ y khoa rồi 10 năm sau làm giảng viên.

Khi ở tuổi 43, là một bác sĩ phụ khoa, là người mẹ đông con bất ngờ bà Ursula chuyển sang lĩnh vực chính trị và thăng tiến nhanh chóng. Năm 2001, bà giữ vai trò là người đứng đầu thành phố Ilten, nơi bà sống cùng gia đình lớn của mình. Sau đó vào Nghị viện Lower Saxony, chịu trách nhiệm về các vấn đề xã hội, chăm sóc sức khỏe, quyền của phụ nữ và gia đình. Chỉ 2 năm sau (2003) tên của Ursula von der Leyen đã nổi lên ở cấp quốc gia. Vào nội các Đức, nữ chính trị gia 45 tuổi trở thành Bộ trưởng Về các vấn đề xã hội, y tế, quyền phụ nữ và gia đình.

Khi bà Angela Merkel lần đầu tiên trở thành Thủ tướng Đức vào năm 2005, bà Ursula đảm nhận vị trí Bộ trưởng Vấn đề gia đình, người cao tuổi, phụ nữ và thanh niên. Dưới thời của Thủ tướng Merkel, bà Ursula là bộ trưởng trong nội các gần 15 năm, chỉ thay đổi lĩnh vực hoạt động; trong đó có vai trò Bộ trưởng Bộ Lao động và từ năm 2014 bà trở thành người lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức.

Trước câu hỏi của báo giới: Làm thế nào để một nữ bộ trưởng có thể kết hợp giữa sự nghiệp chính trị thành công và công việc khó khăn khi nuôi dạy con cái ở các độ tuổi khác nhau?, bà Ursula đã “vặn” lại: “Tại sao các bạn không bao giờ hỏi các bộ trưởng nam xem họ quản lý con cái mình ở nhà như thế nào? Có đủ ví dụ về việc nuôi dạy con cái thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp chứ không phải là một chiếc phanh hãm”.

Và thực tế cho thấy, bà Ursula đã “yên vị” 6 năm trên ghế Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bất chấp nhiều chỉ trích. Nói như tướng về hưu Harald Kuyat thì “bà ấy điều hành quân đội như một bà nội trợ chăm sóc con cái”.

Ngày 17/6/2019, bà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức đến dự triển lãm hàng không quốc tế Le Bourget tại Paris (Pháp) và đây chính là bước ngoặt đưa bà tới vị trí Chủ tịch EC khi chính giới châu Âu lúc bất giờ đặc biệt ấn tượng trước sự sắc sảo của người phụ nữ nhỏ bé. Chính tổng thống Macron đã đề cử bà Ursula von der Leyen vào chức vụ đặc biệt quan trọng này đối với châu Âu. Kết quả là vào ngày 1/12/2019, bà Ursula von der Leyen, khi đó 60 tuổi đã trở thành Chủ tịch thứ 13 của Ủy ban châu Âu và là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử EU giữ chức vụ quan trọng này.

anh-3(1).jpg
Bà Claudia Sheinbaum phát biểu trước những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Mexico City, ngày 3/6/2024. Ảnh: THX.

Nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico

Cựu Thị trưởng thành phố Mexico Claudia Sheinbaum đã giành chiến thắng vang dội, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Mexico, trong bầu cử vào ngày 2/6/2024.

Bà Claudia Sheinbaum gốc Do Thái, sinh năm 1962, vốn là một kỹ sư năng lượng. Bà từng là nhà lãnh đạo đấu tranh cho môi trường trước khi trở thành Thị trưởng thành phố Mexico.

Ông bà ngoại của bà Claudi là người di cư từ châu Âu sang Mỹ. Sau đó, gia đình bà định cư tại Mexico. Bà đã học tại Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM). Tốt nghiệp, bà tới Đại học California (Mỹ) theo học ngành kỹ thuật năng lượng và lấy bằng thạc sĩ, trước khi quay lại UNAM để học tiến sĩ.

Kể từ năm 2000, bà tham gia hoạt động xã hội, trở thành Giám đốc Sở Môi trường thành phố Mexico. Sau 6 năm đảm nhiệm chức vụ, bà Claudia tập trung vào nghiên cứu năng lượng, tham gia Hội đồng quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC) và trở thành thành viên của nhóm nhận giải Nobel Hòa bình năm 2007.

Năm 2015, bà Claudia trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm người đứng đầu quận Tlalpan của thành phố Mexico, giữ chức vụ cho đến năm 2017. Năm 2016, bà được bầu làm người đứng đầu chính quyền toàn thành phố và một lần nữa trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của thành phố Mexico. Đến tháng 6/2023, bà từ chức để tham gia vận động tranh cử chức Tổng thống.

Bà Claudia có hai con và một cháu. Bà quen chồng là ông Jesus Maria Tarriba khi hai người cùng học ngành vật lý tại đại học. Hiện ông là chuyên gia về rủi ro tài chính tại Ngân hàng Mexico.

Việc bà Claudia đắc cử Tổng thống Mexico nhận được sự chú ý của dư luận toàn Mỹ, không chỉ những phức tạp đến từ biên giới Mexico - Mỹ cần phải giải quyết mà còn là nạn bạo lực và hoành hành của các băng nhóm tội phạm cũng như sự tồn tại của các “lãnh địa ma túy” khét tiếng trên đất Mexico.

Giới quan sát đều cho rằng sự lộng hành của các băng đảng tội phạm ở Mexico sẽ là thách thức lớn nhất của bà Claudia sau khi bà nhậm chức, vào tháng 10/2024. Theo báo cáo của Vision of Humanity - công ty nghiên cứu chuyên phân tích dữ liệu về các nỗ lực hòa bình trên toàn thế giới, thì tỷ lệ giết người ở Mexico thuộc hàng cao nhất thế giới và hơn 100.000 người vẫn mất tích ở nước này. Số liệu cũng chỉ ra mỗi ngày có khoảng 10 phụ nữ ở Mexico bị sát hại.

Theo tiến sĩ Will Freeman - thành viên nghiên cứu về châu Mỹ Latinh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết bà Claudia sẽ phải hành động nhanh chóng đối với các vấn đề an ninh và tội phạm có tổ chức của Mexico.

Còn theo Chủ tịch Viện Chính sách di cư (tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington), ông Andrew Selee thì “dưới triều đại Claudia”, người ta trông chờ có sự tiến bộ trong vấn đề di dân và tội phạm ma túy. Bà có thể sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong khu vực bằng cách thương lượng thỏa thuận di dân với các quốc gia Mỹ Latinh khác, cũng như với Mỹ.

Carin Zissis - một chuyên gia về Mexico, Tổng biên tập tạp chí online Americas Society nói rằng, sắp tới, việc dối mặt với bạo lực sẽ thử thách bản lĩnh của bà Claudia, kh mà bạo lực đã thống trị cuộc bầu cử ở Mexico năm nay, với hàng chục ứng cử viên bị sát hại trong thời gian chuẩn bị bỏ phiếu và các băng nhóm đang tìm cách gây ảnh hưởng đến người sắp lên nắm quyền.

Nhắc tới thành tích chống tội phạm của bà Claudi khi còn là Thị trưởng Mexico, tuy nhiên vị chuyên gia này vẫn đặt câu hỏi: Nhưng liệu chiến thuật của bà Claudia với tư cách là Thị trưởng Mexico có thể được nhân rộng ở cấp liên bang và ở 31 bang của Mexico, nơi sinh sống của hơn 126 triệu người? Bà sẽ phải giải quyết vấn đề ở một phạm vi lớn hơn nhiều trong lúc các nhóm tội phạm đã mở rộng phạm vi hoạt động của chúng và đa dạng hóa sang các lĩnh vực khác ngoài sản xuất ma túy trái phép. Chúng đang khai thác gỗ trái phép, khai thác mỏ trái phép và nắm quyền kiểm soát nguồn cung cấp nước ngày càng khan hiếm.

Còn theo Lila Abed - Giám đốc Viện Mexico tại tại Trung tâm Wilson thì nhiệm kỳ Tổng thống của bà Claudia sẽ “rất khó thuận buồm xuôi gió”. Tiến sĩ Abed cho rằng, điều đó không chỉ đối với bà Claudia mà với bất cứ người nào ngồi vào ghế Tổng thống Mexico lúc này vì phải đương đầu với những tranh chấp trong nước lẫn các nước trong châu lục. Vì thế, theo vị chuyên gia này, có thể tân Tổng thống Mexico sẽ phải áp dụng chính sách “có qua có lại”, nhân nhượng để tìm kiếm một giải pháp ít bất lợi nhất.

“Vậy, chúng ta cùng chờ xem bà Claudia sẽ hành xử thế nào. Tuy nhiên, việc bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mexico và cả khu vực Bắc Mỹ cũng đã là một chiến thắng vô cùng ngoạn mục mang tầm vóc quốc tế” - tiến sĩ Abed nói.

Người phụ nữ Mỹ đầu tiên tranh cử Tổng thống

anh-theo-box-sao-chep.jpg
Bà Victoria Woodhull.

Đó là bà Victoria Woodhull, sinh năm 1838, tại bang Ohio. Bà là một người ủng hộ quyền phụ nữ, một diễn giả nổi tiếng và cũng là người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty môi giới ở Phố Wall và là ứng cử viên nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên vào năm 1872.

Năm đó bà Victoria Woodhull tranh cử với tư cách ứng cử viên của Đảng Bình quyền đối đầu Tổng thống đương nhiệm Ulysses S.Grant. Cương lĩnh tranh cử của bà gồm những cải cách cấp tiến, như ngày làm việc 8 giờ, quyền bầu cử cho phụ nữ, bỏ án tử hình và bà còn gây ngạc nhiên hơn nữa khi chọn nhà hoạt động bãi bỏ chế độ nô lệ Frederick Douglass làm ứng cử viên Phó Tổng thống, mặc dù ông này không đồng ý.

Tuy nhiên ngay cả nếu bà có thắng cử thì luật pháp vẫn không cho phép bà bước vào Nhà Trắng, không phải vì giới tính của bà mà vì Hiến pháp Mỹ quy định các ứng cử viên Tổng thống không được dưới 35 tuổi khi nhận chức. Bà Woodhull khi ra tranh cử mới chỉ 34 tuổi.

Năm 1876, bà Woodhull cùng em gái chuyển đến Anh và sống tại đây cho đến cuối đời. Bà mất ngày 9/6/1927.

Sau bà Woodhull, cũng đã có 23 phụ nữ Mỹ đạt điều kiện cần thiết để vận động đề cử hoặc tranh cử Tổng thống, tuy nhiên tới nay chưa có ai thành công. Trong đó có thể kể đến: Năm 1884 là bà Belva Ann Lockwood. Năm 1964 là bà Margaret Chase Smith. Năm 1972 là bà Shirley Chisolm. Năm 2016 là bà Hillary Clinton… Và năm nay, 2024, là bà Kamala Harris.

PHAN QUANG VŨ