Cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, nối hai quận Hoàn Kiếm - Long Biên được hoàn thành vào năm 1985. Đây là cây cầu đầu tiên do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế và thi công trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về nhân lực, vật lực để làm công trình cầu lớn. Hiện mỗi ngày, cầu Chương Dương có khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp hơn 8 lần so với thiết kế. Sau sự cố sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) ngày 9/9, nhiều người dân Thủ đô quan tâm đến sự an toàn của cầu Chương Dương, đặc biệt trong thời điểm diễn biến thời tiết bão lũ khó lường. Phó Giám đốc GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo khẳng định, cầu Chương Dương tuy đã xuống cấp nhưng vẫn bảo đảm khả năng chịu lực, cơ bản hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sáng 10/9 để đảm bảo an toàn cho cầu Chương Dương, Sở GTVT Hà Nội đã cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn được di chuyển lên cầu, xe buýt được phép hoạt động. Hình ảnh cầu Chương Dương, Long Biên bắc qua Sông Hồng. Tương tự, mực nước dân cao chảy siết, để đảm bảo an toàn cho hành khách, cũng trong sáng nay (10/9), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên. Mực nước sông Hồng cao gần bằng cầu Long Biên. Cầu Long Biên được Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1903, từng bị hư hại nặng trong những đợt ném bom của Mỹ năm 1967. Việt Nam sau đó đã phục hồi cây cầu nhằm đảm bảo kết nối liên tục giữa Hà Nội - Hải Phòng. Trước đó, vào tháng 12/2023, Pháp cấp cho Hà Nội khoản tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 euro để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo cầu Long Biên, di sản của thủ đô. Tuy nhiên, nhiều người dân cũng đặt câu hỏi không biết với số tiền do Pháp tài trợ này, Sở GTVT đã nghiên cứu dự án đến đâu, triển khai như thế nào sau hơn một năm nhận tài trợ, để đảm bảo cho cây cầu đã có hàng trăm năm tuổi ở Hà Nội vững chãi trước thời gian?. Những ngôi nhà lụp xụp ven sông Hồng bị ngập nước.
Lê Khánh