Xã hội

Nam Định: Đê sông ở huyện Ý Yên bị tràn, chính quyền di dân

Duy Hưng 10/09/2024 18:11

Hiện địa bàn huyện Ý Yên có nhiều công trình, nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động và 3.430 hộ dân/gần 20.800 người sinh sống ở ngoài đê, trong bối, bờ bao sản xuất.

Chiều 10/9, thông tin tới Đại Đoàn kết Online, ông Nguyễn Sinh Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên (Nam Định) cho biết, địa bàn huyện có 2 tuyến đê sông cấp 2 quan trọng là đê Tả Đáy và đê Hữu Đào, có tổng chiều dài hơn 40km và hơn 32 km đê bối, đê bao, với nhiều công trình, nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động và 3.430 hộ dân/gần 20.800 người sinh sống ở ngoài đê, trong bối, bờ bao sản xuất.

z5816694176127_a734d8a289349bba35cd2d7c82aead1c.jpg
Người dân sinh sống ở ven đê ở huyện Ý Yên di dời vật nuôi trong ngày 10/9.

Một số tuyến đê có dân cư sinh sống ở ngoài đê như các tuyến thuộc địa bàn xã Yên Trị (khoảng 12.000 người); Yên Đồng (khoảng 900 người); Yên Nhân (khoảng 686 người); Yên Lộc (khoảng 1.413 người), Yên Phúc (khoảng 3.945 người). Trong vùng bờ bao sản xuất tại Trại Mễ (xã Yên Khang) có 382 người; Ninh Mật (xã Hồng Quang) có 1.456 người.

Trong khi đó, tuyến bờ bao chỉ đảm bảo an toàn chống lũ ở mức báo động 2, nếu mực nước trên báo động 2 và tiếp tục lên cao phải thực hiện di dời người dân, tài sản ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn do xuất hiện tràn cục bộ, rò rỉ, thẩm lậu.

Cũng theo ông Nguyễn Sinh Tiến, cơ quan chức năng đo được mực nước sông Đáy tại Cổ Đam lúc 12h ngày 10/9 là 3.74, trên báo động 3 là 4cm; tại Ninh Bình lúc 12h là 3.32, dưới báo động 3 là 18cm (Cổ Đam báo động 3: 3.7, Ninh Bình: báo động 3: 3.5).

Mực nước sông Đào tại Trạm thủy văn Nam Định lúc 9h ngày 10/9 là 4.1, dưới BĐ 3 là 0,2m; tại Trạm bơm sông Chanh lúc 12h là 3.21, xấp xỉ báo động 3 là 19 cm.

458770471_4042174349385000_62839108853337568_n.jpg
Việc di dân, tài sản ở vùng ven đê đang được chính quyền huyện Ý Yên triển khai khẩn trương.

Trong bối cảnh đó, trong ngày 10/9 một số điểm trên các tuyến đê trên đã xảy ra sự cố. Trong đó, bờ bao sản xuất ở các thôn Ninh Mật, Ngô Xá (xã Hồng Quang) xảy ra tràn cục bộ khoảng 200m.

UBND xã Hồng Quang đã thông báo và thực hiện di dời người dân, tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao sản xuất vào trong đê, đến 2 điểm là Trạm y tế xã và Nhà văn hóa thôn Ninh Mật (số lượng dân cư vùng ngoài đê của xã là 326 hộ/1.450 người).

Bờ bao sản xuất thôn Trại Mễ (xã Yên Khang) có nguy cơ xảy ra tràn đoạn dài khoảng 200m.

UBND xã Yên Khang đã thực hiện di dời người dân, tài sản vùng ngoài đê, trong bờ bao vào trong đê đến 2 điểm là Nhà văn hóa thôn Mễ Thượng, Nhà văn hóa thôn Uy Nam (số lượng dân cư vùng ngoài đê của xã 116 hộ/382 người).

Bờ bao sản xuất thôn An Thành (xã Yên Phúc) có nguy cơ xảy ra tràn tại một số vị trí với chiều dài khoảng 50m.

UBND xã Yên Phúc đã thông báo, tuyên truyền các hộ dân di chuyển người dân, tài sản đến nơi an toàn (số lượng dân cư vùng ngoài đê bối, trong bờ bao của xã khoảng 60 hộ/240 người).

Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản của UBND chỉ đạo việc tập trung khắc phục bão số 3 và mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Nam Định, trong ngày 10/9, mực nước trên sông Ninh Cơ, Sông Đào, sông Đáy (chảy qua, chảy trong địa bàn tỉnh) đều đang lên nhanh.

Một trong các nội dung UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND cấp huyện, Sở NN&PTNT, các sở, ngành liên quan ở tỉnh khẩn trương tập trung thực hiện là “Tổ chức kiểm tra, rà soát dân cư sinh sống, hoạt động tại bãi sông; chủ động di dân vùng nguy hiểm, vùng sạt lở, vùng bãi, bối không đảm bảo tuyệt đối an toàn vào nơi an toàn (nhất là các khu vực vùng nguy hiểm: bối Phương Định, thuộc huyện Trực Ninh; bối Yên Bằng, Yên Trị thuộc huyện Ý Yên; bối Hồng Long tại xã Mỹ Tân, thuộc thành phố Nam Định; bối Nam Thắng, An Tùy thuộc huyện Nam Trực,…).

Có phương án sơ tán, di dân chủ động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực nêu trên khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm “4 tại chỗ" khi có tình huống xảy ra. Tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều.

Khẩn trương tiêu úng cứu lúa, cây hoa màu và khôi phục cho đàn vật nuôi.

Duy Hưng