'Hiến kế' để du lịch 'bắt tay' cùng điện ảnh
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh, có cơ hội trở thành điểm đến mới của du lịch thế giới trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự phối hợp phát triển giữa điện ảnh và du lịch ở nước ta hiện nay chưa xứng với tiềm năng.
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới”.
Với sự tham gia của các đại biểu là các nhà quản lý, người làm du lịch, điện ảnh, các chuyên gia, nhà khoa học về du lịch, điện ảnh… tọa đàm đã làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch và điện ảnh của Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch và điện ảnh nói riêng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành du lịch và ngành điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.
Tại Tọa đàm, theo phân tích đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện có nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Đặc biệt, xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim Kong: Skull Island với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood.
Tuy nhiên, để điện ảnh có thể “đồng hành” cùng du lịch vẫn còn đó những rào cản để bứt phá. Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua me đất Nguyễn Châu Á, các nhà làm phim nước ngoài mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim, muốn được hỗ trợ về an ninh trật tự khi quay phim, giữ bảo mật trong quá trình quay phim. Vấn đề bảo mật trong quá trình quay phim chúng ta làm chưa tốt. Đặc biệt là truyền thông trong nước đăng tải quá nhiều trong quá trình làm phim, làm ảnh hưởng đến chiến lược, lợi thế cạnh tranh của bộ phim.
Cũng theo ông Nguyễn Châu Á, các nhà sản xuất phim cũng muốn có có thêm các chính sách ưu đãi về thuế (VAT, TNCN) đối với các dự án phim quốc tế quay tại Việt Nam. Ngoài ra, các hãng phim Hollywood mong muốn phía Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn nhằm bảo đảm các yêu cầu quốc tế. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều nhân lực chuyên nghiệp phục vụ các làm phim lớn. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đối với các dự án phim có quy mô lớn, đòi hỏi một lực lượng hậu cầu chuyên nghiệp hơn.
Còn dưới góc nhìn điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan nhìn nhận, chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh, nhưng theo tôi, khi làm một bộ phim, chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến. Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch.
Bà Lan cũng dẫn chứng, nếu chúng ta nhìn sang Thái Lan, một năm họ thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ, nhưng ở Việt Nam, tính đi tính lại tôi thấy vẫn chưa hết 2 bàn tay. Như vậy chứng tỏ người ta đến quay cảnh Việt Nam nhưng họ không được ưu đãi thì họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philipinnes hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta mất nhiều khách hàng. Đó là những điều chúng ta cần xem xét và suy ngẫm.
Trước những ý kiến góp ý của các đại biểu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh bày tỏ, với nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như nhiều địa phương, việc quảng bá du lịch qua điện ảnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài và bền vững. Theo đó, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, ban, ngành địa phương, sự năng động của doanh nghiệp, của ngành điện ảnh và người dân Việt Nam để tạo sự thu hút đối với các nhà làm phim trên thế giới.
Ông Lê Quốc Minh cũng đánh giá, Việt Nam hiện đã có nhiều bộ phim hay, hiện đại. Tuy nhiên, khi nhìn ra các nước láng giềng, chúng ta thấy một số quốc gia dù ít tiếng tăm về điện ảnh cũng đã phát triển nhanh và có những phim rất ấn tượng, góp phần quảng bá du lịch đất nước họ. Tôi nhất trí với quan điểm cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm cho bộ phim hay, nổi tiếng đã thì mới tạo được sức lan tỏa. Khi đó, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam sẽ tác động đến người xem, kéo người xem đến Việt Nam. Tôi thấy, thắng cảnh Việt Nam quá đẹp, vậy đừng để những thắng cảnh này tiềm ẩn mãi, phải để nó nở rộ, thu hút mọi người.
Cũng tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thông tin, từ ngày 21 – 28/9, Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” sẽ được tổ chức tại Hollywood – kinh đô điện ảnh thế giới. Theo Cục trưởng, đây là chương trình xúc tiến, quảng bá có tính chất điểm nhấn trong năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tham dự của 300 đại biểu là các doanh nghiệp, hãng phim lớn của Việt Nam và Holllywood. Chương trình tổ chức quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao, tích cực góp phần thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không, hãng vận tải, điện ảnh Việt Nam và Mỹ. Các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp điện ảnh, diễn viên, một số KOL… sẽ là chủ thể chính của chương trình quảng bá, xúc tiến này.