Trùng tu di tích: Ngẫm chuyện xưa, lo chuyện nay - Bài cuối: Để di sản không chỉ là danh hiệu
Như đã đề cập trong bài trước, việc người dân quan tâm nhiều nhất khi trùng tu di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian là bảo vệ để không làm mất đi giá trị văn hóa, lịch sử, không làm giảm đi tính thiêng của di tích. Yếu tố gốc phải gìn giữ…
Trùng tu thế nào để giữ nguyên giá trị gốc của di sản?
Có thể nói dự án trùng tu, tôn tạo chùa Trầm, chùa Trăm Gian sắp được triển khai đang đặt ra cả những kỳ vọng và thách thức. Bởi thực tế việc xảy ra những năm trước đây với Di sản Quốc gia chùa Trăm Gian là thực sự khiến nhiều người phải băn khoăn, lo lắng. Nhưng nói thế không có nghĩa là không trùng tu, tôn tạo khi di tích đang bị xuống cấp, mà quan trọng là chúng ta thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Công Việt - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, cho rằng cụm di tích chùa Trầm trên dãy Tử Trầm cùng chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ là những di tích danh thắng đẹp có giá trị về lịch sử, văn hóa truyền thống, tín ngưỡng. Do đó việc bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa ở đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà còn là nghĩa vụ chung của mỗi người dân.
“Cần tăng cường phát huy hơn nữa vai trò quản lý và giám sát của ngành Văn hóa và chính quyền các cấp đối với điểm di tích danh thắng này. Cố gắng bảo tồn hiện trạng tự nhiên, không cho phép việc phá núi đồi, đất đai, lấp ao hồ để xây dựng trong phạm vi quy định và dự kiến quy hoạch. Việc tu sửa, nâng cấp về kiến trúc xây dựng cũng như tượng thờ, hiện vật cần được tuân thủ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và có sự giám sát trong quá trình thực hiện ” - ông Việt nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nhắc đến câu chuyện bảo quản những báu vật ở những ngôi cổ tự trong cụm di tích chùa Trầm và Trăm Gian. Những tượng Phật, tượng Thần, tượng Thánh, tượng Mẫu… đã từng bị “xâm hại” bởi những lớp sơn mới bị che phủ, làm mất đi tinh thần, hồn cốt và giá trị nguyên gốc của báu vật.
“Chúng tôi cũng vô cùng băn khoăn về những tấm phù điêu La Hán và Thập điện Diêm Vương đã bị nứt nẻ và bong tróc lớp sơn ta. Cần có một dự án được lồng ghép trong dự án tổng thể “Tu bổ, tôn tạo cụm di tích chùa Trầm, chùa Trăm Gian” đảm bảo tính khách quan và khoa học” - PGS.TS Phạm Quốc Quân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, theo PGS.TS Chu Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hiện vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về những giá trị lịch sử, văn hoá, Phật giáo của chùa Trăm Gian. Nhiều di sản văn hóa của chùa hiện nay như tượng Tuyết Sơn, các bức tranh chạm gỗ nổi Thập điện Diêm Vương, đôi rồng đá… là những hiện vật quý giá, có giá trị nghệ thuật, lịch sử, được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, do đó có thể nghiên cứu, đánh giá để xem xét công nhận bảo vật quốc gia” - PGS.TS Chu Văn Tuấn kiến nghị đồng thời đề xuất, khi trùng tu cần có những phương án bảo vệ giá trị nguyên gốc của các di sản quý giá đó.
Cần sự tham gia của cộng đồng
Thực tế cho thấy, câu chuyện bảo tồn và phát huy di tích không chỉ ở chùa Trầm, chùa Trăm Gian, vấn đề này nhiều năm qua luôn là bài toán hóc búa đối với nhiều địa phương. Bởi các di tích có “tuổi đời” lâu luôn phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của thời tiết và sự hủy hoại của con người, dẫn đến nhiều di tích đã và đang ngày càng xuống cấp hoặc trở thành phế tích. Thực trạng này cũng đang đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích gặp không ít khó khăn.
Chưa kể, việc bảo tồn di tích cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp, việc huy động từ các nguồn xã hội hóa còn hạn chế. Cùng với đó, công tác tu bổ cần có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa có trình độ chuyên môn cao để tham mưu, tư vấn và giám sát quá trình bảo tồn, tu bổ di tích đúng theo quy định của pháp luật vẫn còn thiếu.
Từ những bài học trong quá trình trùng tu, tôn tạo trước đây, khi việc trùng tu luôn đứng giữa giới hạn mong manh của “làm mới” và gìn giữ, bảo tồn tính nguyên gốc thì dự án cải tạo, tôn tạo chùa Trầm- chùa Trăm Gian với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng dự kiến được khởi công tháng 9, hoàn thành vào năm 2026 đang đặt ra kỳ vọng.
PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ, trải qua nhiều biến động lịch sử, hiện trạng của cụm di tích nói trên không còn nguyên vẹn như lúc mới khởi dựng hay ở thời điểm hoàn chỉnh nhất. Vậy nên yêu cầu bức thiết nhất đặt ra là phải có chương trình nghiên cứu sâu hơn nữa để nhận diện rõ các mặt giá trị tiêu biểu của di tích, đồng thời tạo cơ sở diễn giải di tích thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như ứng dụng thành tựu kỹ thuật hiện đại (nghe nhìn, công nghệ số, hiện thực ảo…) để người dân địa phương và cả du khách tiếp thu được những thông điệp văn hóa mà cha ông muốn truyền lại cho chúng ta hôm nay.
Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, xét về mặt du lịch, dù hàm chứa các mặt giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học hay kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đến đâu thì cụm di tích chùa Trăm Gian và chùa Trầm cũng chỉ tồn tại dưới dạng tài nguyên du lịch. Muốn có được các sản phẩm du lịch, các tour du lịch có chất lượng, trước hết phải có quy hoạch hoặc dự án tổng thể bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành giá trị của Cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm.
“Di sản văn hóa phải được bảo vệ và chỉ được bảo vệ khi chúng ta biết dựa hẳn vào cộng đồng, tin vào cộng đồng và phát huy được sức mạnh của cộng đồng cư dân địa phương cũng như các vị sư đang trụ trì ở cụm di tích chùa Trăm Gian, chùa Trầm” - PGS.TS Đặng Văn Bài nói.
Nhìn từ thực tế cho thấy, những bài học về bảo vệ di sản dường như chưa bao giờ cũ và đó không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào mà của cả cộng đồng.