Đảm bảo người dân được cấp cứu, chăm sóc y tế
Bất chấp những thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất mà bão số 3 (Yagi) gây ra, các cơ sở y tế vẫn sáng đèn, kịp thời cấp cứu, điều trị những ca bệnh nặng.
Nhiều ca cấp cứu do “hậu” bão số 3
Tính đến hết ngày 9/9, toàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 1.153 bệnh nhân phải điều trị do bão, 136 cuộc gọi cấp cứu. Trung tâm vận chuyển cấp cứu điều phối và vận chuyển cấp cứu thành công 62 chuyến xe cho các đơn vị y tế toàn ngành.
Thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, vừa tiếp nhận cấp cứu 6 trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO từ máy phát điện. Đáng chú ý có 2 trường hợp ngộ độc khí CO trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp rất nguy kịch.
Theo đó, 3 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong 1 gia đình (trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, độ tuổi từ 12 - 27 tuổi, đều ngủ trong phòng kín qua đêm có máy phát điện. Trong đó, một bệnh nhân nữ (24 tuổi) và một bệnh nhi nam (12 tuổi) nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng nguy kịch.
Qua khai thác thông tin bệnh lý từ người nhà và thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do máy phát điện thải ra, tiến hành cấp cứu bằng các phương pháp hồi sức tích cực, xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy...
3 trường hợp khác là trẻ nhỏ trong gia đình (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) nhập viện với tình trạng choáng váng, đau đầu, khó thở, chóng mặt, được theo dõi điều trị ngộ độc khí CO do máy phát điện tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bãi Cháy). Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi ổn định.
BSCKI Lê Thị Mai - Khoa Thần kinh – Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết, thời điểm sau cơn bão số 3 hoành hành gây sự cố mất điện trên diện rộng, nhiều gia đình sử dụng máy phát điện để duy trì sinh hoạt, dẫn tới ngạt khí CO. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO dù được cứu sống nhưng để lại các di chứng nghiêm trọng như: Suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế điều trị cho thấy, sau bão số 3 đa phần các bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trong đó có cả từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La...
TS.BS Quách Văn Kiên - Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: Số ca liên quan đến hậu bão số 3 tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão (ngày 7/9), phần lớn đều chuyển từ tuyến dưới lên.
Khẩn trương cứu bệnh nhân gặp nạn
Đoàn Công tác của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) do TS Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm Trưởng đoàn vừa kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ của một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tại đây, Đoàn công tác đã ghi nhận tình trạng mưa bão Trạm y tế Nam Cường (TP Yên Bái) ngập sâu, mất điện, thầy thuốc thắp đèn dầu khám cho dân.
BS Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Trạm Y tế Nam Cường cho biết, trạm chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt. Đồng thời chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp. Trước tình huống mất điện tại trạm, các cán bộ y tế của trạm đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục vụ công tác chuyên môn. Trong những ngày mưa bão, nhân viên y tế và bộ đội sẵn sàng cấp cứu lưu động cho người dân trên địa bàn.
Theo TS.BS Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ hiện nay, lãnh đạo ngành y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở y tế và người dân chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước, thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời phải đảm bảo tốt nhu cầu được khám, chữa bệnh cho người dân trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), ngay khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã phát lệnh huy động lực lượng đến ngay hiện trường. BSCKII Trần Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho hay, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã huy động 6 xe cứu thương cùng các cán bộ y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Trung tâm Y tế các huyện Thanh Thủy, Tam Nông, Lâm Thao và TP Việt Trì luôn chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị, cấp cứu các nạn nhân gặp nạn.
Trong đó, đáng lưu ý tại Trung tâm y tế huyện Tam Nông có 3 trường hợp là nạn nhân của vụ sập cầu Phong Châu được chuyển đến cấp cứu, trong đó có 1 trường hợp chấn thương nặng... Góp phần vào việc cấp cứu các nạn nhân này, ngay sau đó các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 bệnh nhân gặp nạn. Cụ thể, với 1 trường hợp chấn thương nặng, bệnh nhân đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa… Bệnh viện Việt Đức cho biết sẽ đảm bảo đường truyền được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ… để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.