Bộ Công an ra Công điện về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão
Bộ Công an yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương bảo đảm công tác an ninh trật tự tại cơ sở với mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết.
Ngày 11/9, Bộ Công an có Công điện số 14 gửi Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Giám đốc Công an 35 tỉnh, gồm: Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Công điện nêu rõ: Để khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 1126 ngày 9/9/2024, Công điện số 92 ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão; tiếp theo Công điện số 13 ngày 9/9/2024 của Bộ, căn cứ tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau đây:
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương: Bảo đảm công tác an ninh trật tự tại cơ sở với mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân là trên hết, trước hết.
Tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn), hỗ trợ xác nhận danh tính nạn nhân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai, sự cố, sơ cứu ban đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phối hợp tổ chức công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động trước để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước;
Triển khai cứu chữa miễn phí cho người bị thương, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn, đặc biệt là những hộ gia đình có người bị thiệt mạng.
Triển khai mọi phương án hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, bánh mỳ, sữa, nước uống, hàng cứu trợ,… đến tận tay người dân vùng còn bị chia cắt, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, xử lý vệ sinh, môi trường phòng, chống dịch bệnh.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thiên tai, sự cố gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản đã xảy ra trên địa bàn, tổ chức rà soát, rút kinh nghiệm để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án bảo đảm an ninh, trật tự, di dời, sơ tán nhân dân, phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ, tránh lặp lại những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Phối hợp các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy, sách vở, đồ dùng học tập tạo mọi điều kiện để các cháu học sinh sớm trở lại trường học, không để gián đoạn việc học tập của các cháu.
Các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc men để chi viện khi có yêu cầu, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...