Thủy sản xuất khẩu: Phục hồi và tăng tốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục, hứa hẹn đạt kim ngạch xuất khẩu ở mức 9,4 -9,5 tỷ USD trong năm 2024.
Xuất khẩu cá tra, tôm tăng mạnh
Theo Vasep xuất khẩu tôm tính đến hết tháng 8/2024 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch tôm chân trắng đạt khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 8%; xuất khẩu tôm sú vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ, đạt gần 290 triệu USD. Riêng tôm hùm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong tháng 8/2024, do vậy kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2024 cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2023.
Phân tích sâu hơn về mặt hàng tôm xuất khẩu, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Vasep cho biết, ngoài những thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, thì xuất khẩu tôm đang có chiều hướng tích cực, mức tăng trưởng trong những tháng gần đây đều ổn định. Đặc biệt, sau Triển lãm thủy sản Vietfish tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm đã có những tín hiệu tích cực. Hơn nữa, dự báo sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 giảm cũng sẽ tác động tăng giá tôm. Dự đoán sản lượng tôm từ Trung Quốc, Ecuador và Ấn Độ đều sẽ giảm trong năm nay, khiến sản lượng toàn cầu giảm khoảng 260.000 tấn (tương đương giảm 5%) xuống còn 4,89 triệu tấn. Trong khi, mức tiêu thụ tôm bắt đầu tăng ở châu Âu, thị trường Hoa Kỳ cũng đã hồi phục nhẹ, mặc dù giá tôm nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn thấp, nhưng đó cũng là những dấu hiệu khả quan cho thị trường tôm.
Thông tin với báo chí, ông Trần Anh Khoa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Anh Khoa Seafoods), chuyên sản xuất các sản phẩm tôm xuất khẩu cho biết, đơn hàng trong những tháng cuối năm đang khả quan hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước với mức tăng từ 10-15%. Thời điểm này, doanh nghiệp (DN) đang tập trung chuẩn bị nguyên liệu và tăng ca sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Cùng với xuất khẩu tôm, xuất khẩu cá tra 8 tháng năm 2024 đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vẫn trì trệ, thì sự hồi phục của thị trường Hoa Kỳ là “đòn bẩy” cho xuất khẩu cá tra tăng trưởng.
Phân tích sâu hơn ở thị trường Hoa Kỳ, Vasep cho hay Hoa Kỳ vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loài cá thịt trắng theo các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp nước này. Dẫn chứng Vasep cho biết, ngày 29/8/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố rằng họ sẽ mua thêm thủy sản, lần này là cá tuyết Thái Bình Dương, còn gọi là cá tuyết, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn. Đây cũng là cơ hội cho ngành cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu thủy sản dự kiến tăng gần 6%
Năm 2023, nhập khẩu cá tra đông lạnh vào Hoa Kỳ là gần 92 nghìn tấn, trong đó Việt Nam chiếm 91% và 9% còn lại từ Thái Lan và Trung Quốc. Châu Âu nhập khẩu gần 66 nghìn tấn cá tra đông lạnh, bao gồm 91% phile đông lạnh và 9% cá tra nguyên con đông lạnh. Trong đó, khoảng 85% cá tra nhập khẩu có xuất xứ từ Việt Nam.
“Suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm. Cá tra có lợi thế vì giá cả phải chăng. Người nuôi và các nhà chế biến ở Việt Nam đang kỳ vọng nhu cầu sẽ cao hơn vào nửa cuối năm 2024. Dự báo xuất khẩu cá tra nửa cuối năm sẽ ước đạt hơn 1 tỷ USD, và lũy kế cả năm 2024 ước đạt 2 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2023” - Vasep nhận định.
Ở nhóm hải sản khai thác, xuất khẩu cá ngừ tính tới cuối tháng 8 thu về 652 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Các DN nhận định xu hướng chung thị trường vẫn có nhu cầu đối với sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam, nhưng những tháng tới xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng tốt như từ đầu năm tới nay vì thiếu nguyên liệu. Từ khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP về hạn ngạch, kích thước khai thác với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu lực (ngày 19/5/2024), với quy định kích thước tối thiểu cho cá ngừ vằn là 0,5m, DN gần như không thể mua được cá ngừ theo đúng quy định kích thước đó, do vậy không có đủ nguyên liệu trong nước để sản xuất cá ngừ hộp, cũng như sản phẩm khác xuất khẩu.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc bị tác động rõ rệt nhất bởi thẻ vàng IUU, vấn đề làm xác nhận, chứng nhận khai thác cho sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, khiến DN không có nguyên liệu đảm bảo đủ giấy tờ xuất khẩu. Do vậy, tính tới cuối tháng 8, xuất khẩu mực, bạch tuộc vẫn giảm 2% so với cùng kỳ đạt 402 triệu USD.
Theo nhận định của Vasep, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường đều có chiều hướng khả quan hơn về mặt nhu cầu cũng như sự hồi phục về giá. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức lớn làm hạn chế sự tăng trưởng trong những tháng tới như vấn đề về thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp, thuế chống bán phá giá…
Do vậy, xuất khẩu thủy sản tới cuối năm 2024 dao động ở mức 9,4 - 9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với năm 2023.