Tuyên Quang gồng mình trong lũ dữ
Do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Tuyên Quang cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn, lũ lụt. Tại Tuyên Quang, nhiều nơi bị ngập lụt nặng, một đoạn đê sông Lô dài khoảng hơn 10m bị vỡ.
Mưa lớn liên tục trong nhiều ngày qua, lượng nước lớn trên thượng nguồn các con sông Lô, sông Gâm... liên tục dồn về, cộng với việc xả lũ 8 cửa xả đáy của Thủy điện Tuyên Quang theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm 9/9, lượng nước cực lớn đã cùng lúc dồn về hạ lưu phía các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và TP Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa quá lớn và kéo dài liên tục trong nhiều ngày khiến mực nước trên các sông dâng cao.
Báo cáo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh Tuyên Quang, mực nước sông Lô đoạn qua TP Tuyên Quang đã lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm). Nước lũ lên rất nhanh gây ngập lụt nhiều huyện thị, thành phố; người dân gặp nhiều khó khăn trong việc di dời người, tài sản đến nơi cao tránh lũ an toàn.
Tối 10/9, một đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang dài khoảng hơn 10m đã bị vỡ. Nước ồ ạt đổ vào trong đê gây ngập hàng trăm héc ta đất nông nghiệp, gần 20 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp.
Hơn 500 người gồm lực lượng Công an, Quân đội và người dân đã tham gia công tác khắc phục vỡ đê. Tuy nhiên, do mực nước sông Lô đang tiếp tục lên cao và chảy xiết nên việc khắc phục sự cố vô cùng khó khăn.
Hiện tại vị trí vỡ đê trên sông Lô đoạn qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa được khắc phục, mực nước trong và ngoài đê gần như đã cân bằng, không chảy sốc.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo lực lượng các địa phương trong toàn tỉnh bám sát các địa bàn xung yếu, triển khai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven suối có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đá; chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn; tuyệt đối không để người dân không có chỗ ở, thiếu đói khi phải di dời đến nơi an toàn.
Chiều ngày 11/9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, mực nước lũ tại TP Tuyên Quang đang có dấu hiệu chững lại và rút xuống hơn 10cm so với đỉnh lũ lúc 3 giờ sáng 11/9. Người dân vơi bớt lo lắng, hy vọng lũ sẽ dừng lại và rút nhanh để ổn định cuộc sống và được cấp điện, nước trở lại sau 2 ngày bị cắt để đảm bảo an toàn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp:
Hồ thủy điện Thác Bà an toàn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, hiện hồ thủy điện Thác Bà đảm bảo an toàn, song người dân vẫn phải ở nơi tránh trú.
"Với lưu lượng nước về và lưu lượng nước xả, chúng tôi khẳng định thủy điện Thác Bà an toàn" - ông Hiệp nói, khi cùng Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát tình hình vận hành hồ thủy điện, sáng 11/9.
Khoảng 1-2 ngày nữa hồ sẽ về mực nước cho phép. Dự báo lượng mưa ở đây trong 48 giờ tới là 40-50mm và trong 24 giờ tới là 15-20mm, vấn đề thủy điện Thác Bà sẽ được giải quyết tốt, mực nước sẽ xuống dưới ngưỡng cho phép. "Các lực lượng chức năng đã tính toán mọi phương án và sẵn sàng ứng phó với tinh thần giảm thiệt hại xuống mức tối thiểu" - ông Hiệp nói.
Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm ở hai huyện Lục Yên và Yên Bình của tỉnh Yên Bái. Đây là nguồn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam.
Hồ Thác Bà được hình thành khi đập thủy điện Thác Bà hoàn tất năm 1971 làm nghẽn dòng sông Chảy và tạo ra hồ. Diện tích vùng hồ rộng 23.400ha, diện tích mặt nước là hơn 19.050ha. Mực nước dao động từ 46 - 58m, chứa được 3-3,9 tỷ m3. Ngoài sông Chảy cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có hệ thống sông ngòi lớn như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về.
P.V