Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (MTQG 1719), giai đoạn 2021-2030, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động và đạt được kết quả tích cực.
Vĩnh Phúc hiện có 41 dân tộc anh, em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Trong giai đoạn hiện nay, với sự ra đời ngày càng nhiều của các loại hình nghệ thuật mới, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS đứng trước nguy cơ dần bị mai một.
Thực trạng này không chỉ thể hiện ở các lễ hội, loại hình âm nhạc, trang phục, chữ viết, mà còn ở lối kiến trúc về nhà ở, văn hoá ẩm thực, nghề nghiệp truyền thống. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các DTTS trên địa bàn, những năm qua, song song với các chương trình giảm nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tạo ra bước phát triển mới trong công tác chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc.
Có thể nói, trong nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, làn điệu dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu được nhiều người biết đến hơn cả. Theo ngôn ngữ Sán Dìu, "Soọng" có nghĩa là hát, "Cô" có nghĩa là ca. Loại hình âm nhạc này có lịch sử ra đời và phát triển gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng. Hiện, dân ca Soọng Cô đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngày nay, loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn được cộng đồng dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực bảo tồn và phát huy.
Cùng với làn điệu Soọng Cô mượt mà của người Sán Dìu, lễ hội “Lồng Tồng” (xuống đồng) của người Cao Lan trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng từng bước được khôi phục và phát triển. Chủ nhân đích thực của lễ hội là những người nông dân chỉ mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc gia cầm đầy đàn, con cháu khỏe mạnh. Lễ hội là lúc mở đầu một chu kỳ sản xuất nên phản ánh ước mong sinh sôi nảy nở, đồng thời là dịp dân bản cùng nhau góp vui chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cùng phát triển. Đây là một lễ hội đặc sắc của người Cao Lan, nó không chỉ mang đậm yếu tố tâm linh, mà còn là một yếu tố làm đoàn kết gắn bó cộng đồng.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030". Trên cơ sở đề án của tỉnh, huyện Tam Đảo tập trung ưu tiên khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Sán Dìu trong đời sống kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Soọng Cô, để loại hình nghệ thuật đặc sắc này sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác phục dựng lại một số mẫu nhà truyền thống và khôi phục, phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Với mục tiêu tạo ra không gian để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch, Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2030 sẽ có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Trong đó, đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027 hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.