Tránh bị xử phạt vì vi phạm quy định về phòng chống thiên tai, cần chú ý gì?
Cơ quan chức năng một số địa phương đã xử lý một số trường hợp vi phạm quy định về phòng chống thiên tai.
Trong thời gian xảy ra cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp không chấp hành quy định pháp luật về phòng chống thiên tại.
Cụ thể, Công an huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công dân về hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.
Theo đó, ngày 9/9, trước tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Cẩm Khê đã vận động, yêu cầu một số hộ dân thuộc khu vực bãi bồi Phú Động, thuộc khu Phú Động, thị trấn Cẩm Khê di chuyển vào nơi an toàn.
Tuy nhiên, ông Đặng Trung Th. (trú tại khu Phú Động, thị trấn Cẩm Khê) và bà Nguyễn Thị Th. (trú tại khu Thành Công, thị trấn Cẩm Khê) không chấp hành, không chịu di chuyển vào nơi an toàn.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện đã huy động lực lượng Công an huyện và Ban chỉ huy quân sự tìm kiếm trong nhiều giờ. Đến sáng 10/9, lực lượng chức năng đã đưa được 2 công dân trên vào khu vực an toàn.
Ngày 11/9, Công an huyện Cẩm Khê ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 công dân trên với số tiền phạt 4.000.000 đồng/người.
Ngoài ra, cơ quan chức năng một số địa phương cũng tiến hành xử lý những trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về tình hình mưa lũ.
Việc đăng tải, phát tán những thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội có thể dẫn đến gây bất an, hoang mang, ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng chức năng.
Tại Hải Dương, công an đã triệu tập một số chủ tài khoản mạng xã hội Facebook có hộ khẩu thường trú trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Nam Sách, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương vì hành vi đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hải Dương đã xử lý 21 trường hợp đăng tin sai sự thật về tình hình mưa lũ.
Tối 10/9, Công an xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai triệu tập 1 đối tượng dùng tài khoản Facebook đăng tải thông tin sai sự thật về việc đập thủy điện Cốc Ly bị vỡ, gây hoang mang trong nhân dân trong thời điểm mưa lũ trên địa bàn diễn ra phức tạp.
Công an tỉnh Phú Thọ cũng triệu tập, xử lý các trường hợp đăng tin không đúng sự thật về tình hình mưa bão trên địa bàn tỉnh và sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Luật quy định cụ thể về mức xử phạt
Phân tích về 2 trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống thiên tai tại tỉnh Phú Thọ, Luật sư Phạm Đình Thế, Công ty Luật TNHH NP Legal (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Công an huyện Cẩm Khê có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và đã xử phạt đúng đối với Đặng Trung Th. và Nguyễn Thị Th. căn cứ theo Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) quy định về thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an.
Cũng theo luật sư, việc Công an huyện Cẩm Khê xử phạt hành chính 2 công dân trên với mức 4 triệu đồng/người do không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai là phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo đó, khoản 1 Điều 12 Nghị định 03/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và đê điều quy định: hành vi không tuân thủ các biện pháp phòng, chống thiên tai của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt trong tình huống nguy hiểm, có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Trong tình huống trên, 2 công dân Đặng Trung Th. và Nguyễn Thị Th. đã cố tình không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai của cơ quan có thẩm quyền, bỏ trốn, không chịu vào bờ; không tuân thủ yêu cầu di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm khi mực nước sông Thao dâng cao do mưa lũ.
Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn làm ảnh hưởng đến lực lượng cứu hộ, buộc cơ quan chức năng phải huy động nguồn lực tìm kiếm và đưa họ đến khu vực an toàn.
Như vậy, hành vi này của hai cá nhân trên đã vi phạm các quy định về phòng, chống thiên tai và là cơ sở để áp dụng mức phạt 4 triệu đồng mỗi người, nằm trong khung xử phạt hợp lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, quyết định xử phạt của Công an huyện Cẩm Khê là đúng với quy định pháp luật hiện hành.
Luật sư Phạm Đình Thế cho biết thêm, Điều 12 Luật Phòng, chống thiên tai sửa đổi đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng chống thiên tai:
Lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và lợi ích khác của quốc gia; gây mất trật tự xã hội; xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân…; phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai; vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, cống, trạm bơm không đúng quy trình được phê duyệt, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền; thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển; chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền;chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh; sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng; cố ý đưa tin sai sự thật về thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai; cố ý báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.