Xã hội

'Hồi sinh' cây xanh bị ngã, đổ sau bão: Kinh nghiệm từ Huế

Nguyễn Quốc 13/09/2024 08:00

Bão số 5 quét qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 9/2020 là một trong những cơn bão lớn mà người dân TP Huế từng phải đối mặt, thiệt hại để lại rất nặng nề.

anh bai duoi
Cây xà cừ bị bật gốc do bão số 13 gây ra vào tháng 11/2020 tại TP Huế được trồng lại và hiện đang phát triển tốt. Ảnh: N.Q.

Đặc biệt, cơn bão khi đi qua TP Huế đã khiến khoảng 15.000 cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy đổ, bật gốc. Nhiều tuyến đường nơi bão số 5 đi qua, cây cối đổ, ngã nằm la liệt. Anh Trương Ngọc Tâm (31 tuổi, trú tại TP Huế) cho biết, chưa bao giờ anh thấy TP Huế rơi vào cảnh hoang tàn như vậy. Sau khi cơn bão số 5 đi qua, dọc các tuyến đường như Lê Duẩn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, dọc bờ sông Hương… đâu đâu cũng thấy cảnh cây cối nằm la liệt, nhìn xót vô cùng. Chính quyền địa phương phải huy động các lực lượng cùng người dân tiến hành cắt tỉa, dọn dẹp những cành cây gãy, đổ chắn lối đi, một số cây được trồng lại vị trí cũ sau khi được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

“Điều đáng mừng là hiện nay trong số hàng nghìn cây xanh bị gió bão làm gãy, đổ, bật gốc, đã có rất nhiều cây được trồng lại và hiện đang phát triển tốt và tỏa bóng mát”- anh Tâm vui mừng nói.

Sau bão số 5 (năm 2020), việc xử lý khoảng 15.000 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc được chính quyền địa phương giao cho Trung tâm Công viên cây xanh Huế đảm nhận và xử lý.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Như Chinh - Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế cho biết, thời điểm đó, đơn vị đã huy động toàn bộ nhân viên của Trung tâm tiến hành xử lý, cắt tỉa cành chắn các tuyến đường để đảm bảo các phương tiện lưu thông. Mặt khác, phải tìm giải pháp để cứu những cây có khả năng trồng lại được, bởi lẽ việc trồng 1 cây xanh từ nhỏ cho đến khi có tán để tạo bóng mát mất rất nhiều thời gian và công sức chăm sóc.

“Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đơn vị đã quyết định chọn phương án không loại bỏ hết toàn bộ những cây bị hư hỏng do bão gây ra, mà sẽ tiến hành trồng lại những cây xanh có khả năng cứu sống được. Cây nào giữ được phải cố gắng giữ”- ông Chính nói và cho biết thêm sau khi kiểm tra và tiến hành khảo sát hiện trạng toàn bộ cây xanh bị bật gốc ở TP Huế, đơn vị đã tiến hành cắt bỏ đi những cây bị sâu là hư hại, mục ruỗng từ bên trong, không có cơ hội cứu chữa.

Đối với những cây xanh bị bật gốc và có khả năng trồng lại được, đơn vị lên phương án xử lý những cây xanh này nhanh nhất có thể, đặc biệt là những cây cổ thụ để tránh việc để lâu cây sẽ bị mất nước. Đồng thời, tiến hành cắt tỉa ngọn và cành cây gọn lại, đối với phần rễ những đoạn nào nào bị dập nát sẽ tiến hành cắt bỏ sau đó bôi keo, dùng thuốc kích rễ… và trồng lại ở vị trí ban đầu.

Toàn bộ những cây xanh này sẽ được gia cố bằng các cột chống tránh bị lung lay. Ngoài ra, những cây này sẽ được theo dõi và chăm sóc thường xuyên, đảm bảo cây phát triển tốt. Những cây xanh bật gốc nằm ở cồn Dã Viên trên sông Hương phần lớn được đơn vị trồng lại bằng cách này.

Một trong những minh chứng rõ nhất về việc trồng lại cây xanh cổ thụ bị bật gốc sau bão chính là việc cây xà cừ có tuổi đời khoảng 100 năm, nằm trên đường Lê Duẩn bị bật gốc bởi cơn bão số 13 xảy ra vào tháng 11/2020. Thời điểm đó, cây xà cừ bị cơn bão quật bật gốc khiến nhiều người dân và cả chính quyền điều xót xa, bởi đây được xem như “biểu tượng” của thành phố, là nơi toả bóng mát cho người đi đường mỗi khi đứng chờ đèn đỏ suốt hàng chục năm qua, việc cứu cây xà cừ này được người dân địa phương rất quan tâm.

Sau đó, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã áp dụng phương án tương tự, cắt tỉa cành, sử dụng thuốc kích rễ, sau đó cây xà cừ được trồng lại cách vị trí cũ khoảng vài chục mét. Hiện nay “cụ” cây xà cừ này đang phát triển tốt.

Theo ông Chinh, cây xà cừ này và nhiều cây cổ thụ khác được Trung tâm chăm sóc, cứu sống sau bão như minh chứng rõ nhất về nghĩa tình của người Huế đối với hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố.

Hiện Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế đang quản lý khoảng 64.000 cây xanh các loại, trong đó có hàng trăm cây cổ thụ có giá trị cao, cần được bảo tồn, như bằng lăng, phượng vàng, phượng đỏ, muối, long não... Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa bão trước, việc cắt tỉa cây xanh đô thị năm nay được gấp rút triển khai từ sớm, đảm bảo hoàn thành khi mùa mưa bão đến nhằm hạn chế thiệt hại.

TP Huế cử người ra Hà Nội hỗ trợ ứng cứu cây xanh

Ông Đặng Ngọc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế, cho biết, lực lượng thuộc đơn vị với quân số 15 người gồm cán bộ, nhân viên giàu kinh nghiệm đã ra Hà Nội hỗ trợ ứng cứu cây xanh, góp phần khắc phục hậu quả bão số 3.

Cùng với lực lượng, phương tiện máy móc, trung tâm còn điều động thêm 2 xe cẩu chuyên dụng đến Hà Nội để hỗ trợ giải tỏa cây xanh đổ ngã, ứng cứu phục hồi cây cối.

“Từ kinh nghiệm của Huế, chúng tôi sẽ tập trung xử lý những cây xanh bị gãy đổ gây nguy hiểm đổ ra đường phố, đổ đè lên nhà cửa, công trình kiến trúc, tài sản, xe cộ… nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Sẽ có nhiều bộ phận được tổ chức để vừa cắt dọn giải tỏa cây xanh gãy đổ, vừa cắt tỉa những cây còn ứng cứu được để trồng lại. Phải làm kịp thời, nhanh để cứu cây xanh”- ông Quý chia sẻ.

Lực lượng thuộc Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế dự kiến sẽ hỗ trợ người dân Hà Nội trong khoảng thời gian nửa tháng. Toàn bộ chi phí đi lại, hậu cần trong chuyến đi này do Trung tâm Công viên cây xanh TP Huế chi trả.

P.V

Nguyễn Quốc