Tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng 37,85%, tham ô tài sản tăng 50,75%
Theo Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao năm 2024.
Theo đó về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, trong năm 2024 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật. Phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.
Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và số người bị thương, thiệt hại về tài sản. Một số loại tội phạm tăng mạnh, như: tội phạm có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, tham ô tài sản tăng 50,75%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập. Cụ thể, một số quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, doanh nghiệp còn chưa cụ thể, chưa chặt chẽ dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền lợi dụng, “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện “lách luật” hoặc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra để phát hiện vi phạm trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả.
Nhiều vụ vi phạm đấu thầu, đấu giá, đền bù giải phóng mặt bằng trong hoạt động đầu tư, xây dựng, khai thác tài nguyên, đất đai với hành vi phạm tội phổ biến là đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, có giá trị đặc biệt lớn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, trong năm 2024 công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tội phạm về tham nhũng, chức vụ phát hiện 936 vụ, tăng 37,85%. Đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong một số lĩnh vực và trong đấu tranh với tội phạm ma túy.
Trong khi đó, về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho thấy, trong năm 2024 công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Viện Kiểm sát đã trực tiếp hủy bỏ nhiều quyết định của Cơ quan điều tra không có căn cứ, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Công tác giải quyết án tham nhũng, kinh tế tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Công tác thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng vượt 29,3% chỉ tiêu Quốc hội giao. Đối với Toà án nhân dân tối cao, Uỷ ban Tư pháp đánh giá, các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Chú trọng các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại. Các vụ án giết người, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, tội phạm mạng, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Về công tác thi hành án của Chính phủ, theo bà Nga, thì việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc nhưng giảm về số tiền. Chưa bảo đảm chỉ tiêu ra quyết định thi hành án dân sự đúng quy định của pháp luật 100%.