Làm giả hóa đơn chuyển tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Việc công khai hơn 12.000 trang sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về số tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc gặp thiên tai đã sáng tỏ không ít cá nhân "khoe của" khi tuyên bố chuyển khoản lớn nhưng thực tế chỉ là số tiền nhỏ.
Ngày 12/9, Trung ương MTTQ Việt Nam công bố hơn 12.000 trang sao kê số tiền người dân ủng hộ đồng bào gặp thiên tai tại các tỉnh miền Bắc.
Động thái này nhận được sự ủng hộ của hầu hết người dân, cho thấy sự công khai, minh bạch của Trung ương MTTQ Việt Nam vì không chỉ giúp củng cố lòng tin của cộng đồng mà còn hoàn toàn phù hợp với các quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ, quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện.
Sau khi 12.000 trang sao kê được công khai, không ít cá nhân, tổ chức lại bị lộ chuyện "thổi phồng" số tiền đã chuyển vào tài khoản của MTTQ Việt Nam - Ban Cứu trợ Trung ương nhằm mục đích "đánh bóng" tên tuổi.
Nhiều người dùng mạng xã hội đã tìm ra không ít những cá nhân, tổ chức chuyển tiền thấp hơn nhiều lần so với con số chia sẻ; trong đó có cả những người hoạt động tích cực trên các nền tảng mạng xã hội.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật bày tỏ, trong thời gian gần đây, các thông tin về tình hình thiên tai, bão lũ trên mạng xã hội đang trở thành chủ đề nóng được nhiều người quan tâm, bình luận, chia sẻ. Nhờ đó, mọi người có thể nắm bắt được tình hình thiên tai, bão lũ nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên.
Thế nhưng, theo luật sư Bình hiện cũng có hiện tượng có người sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật về tình hình thiên tai, bão lũ ở các địa phương, đặc biệt là "fake" sao kê tiền ủng hộ của người nổi tiếng để câu like, câu view, tạo dựng tên tuổi... Điều này không chỉ gây hoang mang, bức xúc cho người dân mà còn có thể ảnh hưởng tới công tác quản lý của Nhà nước. Do đó, cơ quan chức năng cần chủ động kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm nếu có", luật sư Bình chia sẻ.
Luật sư Diệp Năng Bình thông tin thêm, theo khoản 4, 6 Điều 4 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Ban hành kèm theo Quyết định số 847/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021) quy định về quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân, trong đó bao gồm: Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, tung tin giả, sai sự thật...
Cùng với đó, tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 thì pháp luật nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
"Như vậy, giả sử có hành vi tung tin giả về tình hình bão lũ, "fake" sao kê trên mạng thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc...) hoặc xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)", luật sư Bình cho biết.
"Việc sửa đổi biên lai chuyển tiền hoặc làm sai lệch số tiền quyên góp không chỉ vi phạm đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự",
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối cho rằng, tấm lòng hướng về bà con vùng lũ, dù ít hay nhiều, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người và không bị đánh giá, miễn là xuất phát từ tấm lòng chân thành.
Theo Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, căn cứ điều 331 Bộ luật Hình sự 2015, nếu cơ quan chức năng xác minh được hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện và đăng tải lên mạng xã hội gây khó khăn cho việc tiếp nhận, ảnh hưởng đến quá trình thống kê, phân phát tiền từ thiện và tạo dư luận xấu, thì người thực hiện hành vi làm giả biên lai và lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, trong trường hợp hành vi làm giả biên lai chuyển tiền từ thiện và đăng công khai lên mạng xã hội nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội, người đăng tải thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt dành cho tổ chức vi phạm là từ 10 đến 20 triệu đồng, còn đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, hoặc danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.